-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT VỀ BỤI MỊN PM2.5
10/06/2019 17:48:00
Đăng bởi Hoàng Thị Lâm
(1) bình luận
PGS. TS. BSNT Hoàng Thị Lâm
Trưởng BM Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng
Đại học Y Hà Nội
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Bệnh viện Bạch Mai
Khi bạn nghe nói về (bụi) trong nhà, bạn chỉ đơn thuần nghĩ về những hạt bụi nhỏ li ti mà chúng ta có thể nhìn thấy, có thể hút bằng máy hút bụi, là những hạt bụi đọng trên giá sách trên bàn v.v.. mà chúng ta cần thời gian để lau dọn. Khi nghĩ về bụi ở ngoài nhà, cũng vậy chúng ta ngay lập tức nghĩ đến bụi đường do đất cát và các hạt bụi trên đường cuốn theo các phương tiện khi chúng ta di chuyển. Đó đúng nhưng chưa đủ.
Bạn cũng đã từng nghe về bụi mịn hoặc PM2.5 trong các phương tiện truyền thông và trên các báo cáo về chất lượng không khí trong những ngày gần đây. Vậy bui mịn là gì và nó ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng không khí và sức khỏe chúng ta?
Bụi mịn khác với bụi truyền thống mà chúng ta nhìn thấy xung quanh nhà hàng ngày. Bụi mịn, (Fine Dust hoặc là Particulate Matter) được biết đến là PM2.5, là những phần tử hay là những giọt có thể tìm thấy trong không khí với kích thước cực kỳ nhỏ chỉ 2.5 micrometers, (1 inch gần bằng 25000 micron) có nghĩa là bụi mịn PM2,5 nhỏ hơn sợi tóc của chúng ta. 30 lần. Chính vì thế chúng ta khó có thể nhìn thấy cụ thể một hạt bụi mịn mà chỉ có thể nhìn thấy được trên kính hiển vi. Tuy nhiên khi bụi mịn tăng cao trong không khí nó sẽ tạo thành một màn sương mù làm giảm tầm nhìn.
Mặc dù nhỏ, nhưng bụi mịn lại có tầm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Không giống như những hạt bụi lớn (có thể nhìn thấy bằng mắt thường), bụi mịn có thể qua mũi, đến họng vào sâu đến tận phế nang, qua được hàng rào trao đổi khí máu, để vào máu và đến khắp các cơ quan trong cơ thể.
Tiếp xúc với bụi mịn có thể khiến bạn xuất hiện các triệu chứng đường hô hấp hoặc nặng lên các triệu chứng đã có từ trước như ho, tức ngực, khó thở, kích ứng mắt mũi họng hoặc xuất hiện cơn hen phế quản cấp, viêm phế quản hoặc các vấn đề về đường hô hấp khác. Các nhà khoa học đã chứng minh được vai trò của bụi mịn trong các đợt bệnh tim cấp tính, đột quỵ, ung thư cũng như các bất thường trong quá trình mang thai. Thậm chí, các nhà khoa học còn phát hiện được các tinh thể bụi mịn trong thai nhi. Bụi mịn ảnh hưởng đến tất cả mọi người nhưng đặc biệt nguy hiểm cho những người mắc bệnh tim mạch và bệnh đường hô hấp và những người đặc biệt nhạy cảm là người già và trẻ em.
Vậy nguồn gốc của bụi mịn từ đâu? Bụi mịn có thể tồn tại khắp nơi và phổ biến hơn chúng ta nghĩ. Bụi mịn ngoài nhà đến từ khí thải của phương tiện giao thông như ô tô, xe tải, xe máy, xe bus và khói từ các hoạt động đốt cháy nhiên liệu từ gỗ và than. Cháy rừng, phun núi lửa, đốt cỏ, rác cũng là nguồn gốc đáng kể thải bụi mịn vào không khí. Bụi mịn ở ngoài nhà có thể di chuyển rất xa và diện tích ảnh hưởng có thể lên đến hàng km vuông. Quan niệm cho rằng bụi mịn chỉ có thể ảnh hưởng đến không khí ngoài nhà là sai lầm vì thực tế, các hoạt động nấu nướng, đặc biệt chiên, rán, nướng thức ăn, đốt nến, thắp sáng bằng mỡ cừu, hút thuốc lá và sử dụng lò sưởi hoặc đốt các nhiên liệu rắn khác đều có thể tạo ra bụi mịn ở trong nhà.
Bởi vì bụi mịn nhỏ và nhẹ nên nó tồn tại rất lâu trong không khí và nó rất dễ theo hơi thở vào trong cơ thể. Khi nồng độ bụi mịn tăng cao, không khí sẽ trở nên mờ mịt và giảm tầm nhìn xa. Tình trạng này trông giống như những ngày sương mù. Trong những ngày này, nên hạn chế ra khỏi nhà và giảm các hoạt động ở ngoài nhà để giảm thiểu phơi nhiễm với ô nhiễm. Để giảm thiểu bụi mịn trong nhà, chúng ta nên mở cửa sổ để không khí sạch tươi mới có thể lưu thông với không khí trong nhà, với điều kiện không khí ngoài nhà sạch không bị ô nhiễm. Để giảm thiểu tối đa bụi mịn phát sinh trong quá trình nấu ăn, hoặc khi đốt cháy nhiên liệu để đun nóng thức ăn cần phải có thông khí, đặc biệt khi chiên rán nướng thức ăn. Tránh đốt nến đặc biệt nến paraffin. Có thể thay thế bằng nến sáp ong, ít tạo ra khói hơn. Sử dụng máy lọc không khí để giảm thiểu bụi mụn trong nhà cũng là một phương pháp rất tốt.