chemical-peel
CHEMICAL PEEL
01/03/2019 20:32:00 Đăng bởi Hoàng Thị Lâm (0) bình luận

PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm

* Định nghĩa:

 Chemical peel, hay còn gọi là peel da, hay thay da sinh học là hình thức điều trị bằng cách thoa các chất hóa học lên da, kích thích bong tróc các tế bào da yếu, thiếu sức sống, đẩy nhanh quá trình thay mới của tế bào và kích thích sự hình thành collagen để cuối cùng hình thành làn da mới tươi trẻ, láng mịn và khỏe mạnh. Thay da sinh học giúp điều trị các vấn đề về gia như: Mụn, nếp nhăn, nám.

Phương pháp thay da sinh học sẽ được tiến hành tại các phòng khám, nơi có bác sĩ  giỏi, tay nghề cao trực tiếp làm cho bạn.

Chỉ định

  • Nam/Nữ 18 tuổi trở lên
  • Da gặp phải các vấn đề như: thô ráp, xỉn màu, da dầu, da nhờn, da mụn, nám, sạm, tàn nhang
  • Da bị lão hóa.

Chống chỉ định

  • Nên thận trọng với phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú.
  • Không áp dụng lên các vùng vết thương hở.
  • Người có tiền sử bị sẹo xấu, sẹo lồi hay đang dùng Isotretinoin, ánh sáng trị liệu bệnh ngoài da trong vòng 6 tháng trước thay da
  • Có tiền sử dị ứng thuốc, nhạy cảm với ánh sáng khi dùng thuốc, hen phế quản.
  • Người có tiền sử bệnh tim, gan, thận.

* Biểu hiện của da trong quá trình thay da sinh học

Đối với một số bạn có da nhạy cảm, khi thoa hợp chất hoá học lên da, bạn sẽ có cảm giác ngứa ran vì hàm lượng axit khá cao chứa trong hợp chất này. Mức độ ngứa sẽ thay đổi tùy vào loại chất hóa học được sử dụng để thay da sinh học và cơ địa của mỗi người.

* Các hoạt chất thường dùng trong thay da sinh học

1. Salicylic Acid hay còn gọi là Beta Hydroxy acid (BHA) là một dạng acid ưa dầu, có khả năng phá vỡ lớp sừng, xuyên qua lỗ chân lông chứa đầy các bã nhờn, từ đó loại bỏ các bã dầu tắc nghẽn gây nên mụn đầu đen và mụn đầu trắng đồng thời kiểm soát lượng dầu dư thừa. Đây là sản phẩm rất tôt dành cho da dầu, da mụn.

2. Lactic Acid  hay còn gọi là Alpha Hydroxy Acid (AHA) có cấu trúc phân tử lớn, được tạo ra từ các sản phẩm sữa. AHA thường có mặt trong mỹ phẩm, có khả năng loại bỏ tế bào chết, làm sáng mịn da và hỗ trợ trị nám, sạm da, mụn, sẹo mụn. Đây là sản phẩm thích hợp với da khô, da nhạy cảm.

3. Glycolic Acid hay còn gọi là Alpha Hydroxy Acid (AHA)  có cấu trúc phân tử nhỏ hơn. Glycolic acid có vai trò liên kết các tế bào có vai trò làm lành vết thương.  Đây là sản phẩm được dùng cho da bình thường hoặc da khô, làm trẻ hóa cũng như kích thích tăng sinh colalgen làm lành vết thương.

4. AHA Blend – Kết hợp giữa Lactic acid, và Glycolic acid. Khi phối hợp hai sản phẩm với nhau, Salicylic acid sẽ làm tan lớp sừng, tạo điều kiện cho acid glycolic thấm sâu vào trong da. Sản phẩm này rất tốt cho da bình thường, da

5. Tricloacetic acid (TCA): là một dạng axit hữu cơ có nồng độ 40% và 50%. Chúng tác động trực tiếp vào lớp tế bào để giúp da tái tạo lại cấu trúc bề mặt da. Tricloacetic acid (TCA) sử dụng với nhiều nồng độ khác nhau, lột tẩy da ở các mức khác nhau từ trung bình đến sâu. TCA có hiệu quả đối với việc trẻ hóa da, cải thiện tốt các nếp nhăn và vấn đề sắc tố da nặng.

6. Jessners – Đây là sản phẩm được tạo ra bởi Dr. Jessners với sự kết hợp của các acid khác nhau như: alpha, beta hydroxies với resorcinol.  Sản phẩm này giúp cải thiện tốt các nếp nhăn, tình trạng da lão hóa cũng như đạt hiệu quả tốt trong điều trị mụn.

* Phân loại chemical peel

Dựa vào mức độ nông sâu và nồng độ acid có trong sản phẩm để phân loại chemical peel

1. Chemical peel nông hay còn gọi là (Superficial peels): là loại nhẹ nhàng nhất của chemical peel. Các hóa mỹ phẩm này có thể sử dụng trên tất cả các loại da. Bác sĩ có thể thực hiện chemical peel nông mỗi 4-5 tuần/lần, phụ thuộc vào tình trạng da của khách hàng.

2. Thay da sinh học trung bình hay còn gọi là Medium peels: loại này ngấm sâu hơn vào da so với loại 1. Medium peels có thể gây ra tình trạng bỏng nhẹ trên da. Loại này thường được dùng để điều trị nếp nhăn da, sẹo trứng cá. Bác sĩ có thể thực hiện thay da loại này sau lần vài tháng để duy trì kết quả.

3. Thay da sinh học sâu hay còn gọi là Deep peels: loại thay da sinh học này ngấm khá sâu vào da và có thể gây bỏng. Loại này thường sử dụng hóa chất phenol với tác dụng lột sâu hơn cho da. Deep peels thường không được sử dụng cho làn da tối màu vì nó có xu hướng tẩy trắng da. Ngay cả ở những ngưởi có làn da sáng màu hơn, thay da sinh học có chất phenol hay bất kỳ loại thẩm thấu sâu tái tạo da mặt đều có thể tẩy trắng da. Giải pháp này chỉ nên thực hiện một lần duy nhất trong hầu hết các trường hợp.

* Tác dụng phụ của chemical peel

1. Đỏ da: Đặc biệt với chemical peel mức độ trung bình và  nặng. Đỏ da có thể kéo dài vài tháng

2. Sẹo: Rất hiếm gặp, vị trí có thể có là phần dưới của mặt. Kháng sinh và corticoid có thể làm giảm cơ hội bị sẹo

3. Đổi màu da: Chemical peel có thể làm cho da thẫm màu hoặc nhạt màu hơn bình thường. Thẫm màu thường xảy ra với chemical nông. Nhạt màu thường xảy ra khi thực hiện chemical sâu. Thay đổi màu da hay gặp ở những người da tối màu và đổi màu da là vĩnh viễn.

4. Nhiễm trùng: Chemical peel có thể làm bùng đợt cấp của nhiễm herpes. Hiếm khi gặp nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc do nấm

5. Tổn thương tim gan thận: Hay gặp do chemical sâu khi sử dụng acid carbolic (phenol). Các hóa chất này có thể gây tổn thương cơ tim và gây rối loạn nhịp tim. Phenol cũng có thể gây tổn thương gan thận. Để hạn chế tác dụng phụ này, chỉ nên làm trong khoảng thời gian 10-20 phút (tiếp xúc với phenol)

* Các phương pháp dự phòng

1. Thuốc chống virus: nếu bạn có tiền sử nhiễm herpes quanh miệng, bác sĩ sẽ kê cho bạn thuốc chống virus trước và trong quá trình chemical peel để tránh đợt cấp của  nhiễm Herpes

2. Sử dụng Retinoid cream. Thường sử dụng trước một thời gian ngắn các loại kem Renova, Retin A ….. để tăng thời gian hồi phục.

3. Sử dụng hydroquinone và retinoid cream trước và sau chemical peel để ngăn ngừa da thẫm màu

4. Tránh nắng: Sử dụng kem chống nắng ít nhất 4 tuần trước khi làm thủ thuật để tránh thâm nhiễm da trong quá trình điều trị. Thay da sinh học đã đẩy mạnh quá trình thay tế bào da chết, để lộ làn da non. Vì vậy nên dùng kem chống nắng phù hợp quang phổ rộng để giữ cho làn da được an toàn trong quá trình điều trị.

5. Sử dụng hóa mỹ phẩm: Khoảng 1 tuần trước khi peel, ngừng waxing hoặc sử dụng các sản phẩm làm rụng lông. Tránh các mỹ phẩm tẩy trắng da, tránh massage hoặc chà xát lên da trong vòng 1 tuần trước khi peel.

6. Nếu bạn sử dụng chemical peel trung bình hoặc sâu, bạn cần có người nhà đi kèm.

7. Bạn nên áp dụng quy trình chăm sóc da đúng cách trước khi thực hiện phương pháp này. Làm sạch da 2 lần/ngày, sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp với làn da của mình 1-2 lần/ngày và đặc biệt nên dùng kem chống nắng mỗi ngày khi ra đường. Thói quen chăm sóc da này sẽ giúp làn da đều màu hơn và nhanh chóng phục hồi sau khi thay da sinh học. Ngoài ra, nó còn giúp bạn giảm nguy cơ nhiễm trùng và các vấn đề về da khác, đặc biệt là những thay đổi màu sắc không đồng đều trên da.