tam-the-nao-cho-dung-o-benh-nhan-viem-da-co-dia
TẮM THẾ NÀO CHO ĐÚNG Ở BỆNH NHÂN VIÊM DA CƠ ĐỊA
01/01/2024 18:52:36 Đăng bởi Hoàng Thị Lâm (0) bình luận

PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm

Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh

Viêm da cơ địa ảnh hưởng đến hơn 10% dân số, mà phần lớn là trẻ em. Đây là bệnh mạn tính, thường tái đi tái lại, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, không chỉ với người bệnh mà cả gia đình họ. Đặc điểm nổi trội của bệnh viêm da cơ địa là da khô, viêm, và  ngứa. Da khô không phải do không chứa đủ dầu mà là do da của người bệnh không làm tốt công việc giữ ẩm (nước). Gió, độ ẩm thấp, nhiệt độ lạnh, xà phòng quá mạnh và tắm rửa nhiều lần mà không sử dụng kem dưỡng ẩm có thể dẫn đến khô da, cũng như gây kích ứng da, gây ra đợt cấp của bệnh và thậm chí khiến bệnh nặng hơn.

Da rất khô của người bệnh còn do khiếm khuyết hàng rào bảo vệ da. Hàng rào bảo vệ da là lớp trên cùng của da giúp tránh các chất kích thích, vi khuẩn/virus và các chất gây dị ứng xâm nhập vào cơ thể chúng ta và làm cho chất ẩm thoát ra ngoài (Hình 1). Các đột biến gene, chấn thương da như gãi hoặc cọ xát và tình trạng viêm nhiễm đều có thể góp phần tạo nên hàng rào bảo vệ da bị khiếm khuyết hoặc “rò rỉ” ở những người mắc viêm da cơ địa.

Hình 1: Cấu trúc da bình thường và da ở  bệnh nhân viêm da cơ địa. 

Cách hiệu quả nhất để cải thiện da khô ở những bệnh nhân này là cung cấp độ ẩm cần thiết. Có rất nhiều cách làm tăng độ ẩm cho da, như tắm, sử dụng kem dưỡng ẩm v.v….. Chính vì thế, việc tắm và dưỡng ẩm đúng cách rất quan trọng - đặc biệt khi bạn đang có triệu chứng của bệnh. Cách tốt nhất để bổ sung độ ẩm cho da là ngâm mình trong bồn tắm hoặc tắm vòi sen rồi dưỡng ẩm ngay sau đó.

Phương pháp điều trị viêm da cơ địa bằng phương pháp “Ngâm và băng bịt” được nhiều bác sĩ tư vấn dùng để chống khô da và giảm bùng phát đợt cấp. Để có được lợi ích điều trị đầy đủ, hãy sử dụng liệu pháp “Ngâm và băng bịt” thường xuyên và làm theo các bước theo thứ tự sau.

Bước 1: Tắm bằng nước ấm (không nóng) trong 5 đến 10 phút. Không nên tắm quá nhiều lần trong ngày tuy nhiên, phải tắm ít nhất/lần/ngày. Vì tắm có tác dụng làm sạch da, loại bỏ các tác nhân gây nhiễm khuẩn cũng như các tác nhân dị ứng hoặc gây kích ứng da. Sử dụng xà phòng tắm nhẹ nhàng (không có xà phòng), hoặc loại dùng cho da nhạy cảm. Cũng không nên sử dụng xà phòng kháng khuẩn, hoặc xà phòng có chứa cồn hoặc hương liệu. Tránh chà xát (bằng vải hoặc bằng bông tắm…) vùng da bị tổn thương.

Bước 2: Sau khi tắm, dùng khăn vỗ nhẹ lên da để giảm bớt hơi nước.

Bước 3: Bôi thuốc cần thiết theo chỉ định của bác sĩ (nếu có) lên vùng da bị bệnh theo chỉ dẫn.

Bước 4: Thoa kem dưỡng ẩm. Trong vòng ba phút, thoa kem dưỡng ẩm lên khắp cơ thể. Điều quan trọng cần nhớ là phải thoa kem dưỡng ẩm trong vòng ba phút sau khi tắm, nếu không da có thể trở nên khô hơn. Thoa kem dưỡng ẩm ít nhất 2 lần/ngày và sau khi tắm. Sử dụng kem dưỡng ẩm có hàm lượng dầu cao, hai lần một ngày để cải thiện quá trình hydrat hóa và bảo vệ hàng rào bảo vệ da

Bước 5: Đợi vài phút để kem dưỡng ẩm thấm vào da trước khi mặc quần áo hoặc đắp khăn ướt.

Dưỡng ẩm tay mỗi khi bạn rửa tay hoặc khi tiếp xúc với nước

Lên lịch tắm và dưỡng ẩm vào ban đêm, ngay trước khi đi ngủ. Điều này có thể giúp làn da của bạn giữ được độ ẩm tốt hơn

Nếu bạn bị bệnh chàm ở tay, hãy ngâm tay trong nước, sau đó bôi thuốc theo toa (nếu có) và kem dưỡng ẩm. Đeo găng tay cotton lên tay khi ngủ để giúp “khóa” kem dưỡng ẩm

Tắm bồn hoặc tắm vòi sen đều có hiệu quả như nhau miễn là bạn sử dụng phương pháp tắm đúng theo hướng dẫn và thoa kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm. Nếu bạn liên tục làm ướt da mà không dưỡng ẩm ngay sau đó sẽ khiến làn da của bạn mất đi độ ẩm và trở nên khô cũng như dễ bị kích ứng