trung-ca-nguyen-nhan-va-dieu-tri
TRỨNG CÁ: NGUYÊN NHÂN VÀ ĐIỀU TRỊ
03/04/2022 09:10:49 Đăng bởi Hoàng Thị Lâm (0) bình luận

PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm

Trưởng bộ môn Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Đại học Y Hà Nội

Trưởng khoa Dị ứng Miễn dịch & Da liễu, bệnh viện E

-----

✔️ Định nghĩa: Trứng cá (acne) là bệnh nang lông-tuyến bã mạn tính. Bình thường, nang lông và tuyến bã kết nối với nhau, với mục đích sản xuất chất nhờn, giúp chống da khô. Khi tuyến bã nhờn sản xuất ra quá nhiều chất nhờn, cộng thêm nang lông bị bít tắc có thể do tế bào da chết v.v… dẫn đến tích tụ bít tắc nang lông, sinh ra mụn trứng cá. Bệnh hay gặp ở tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt giai đoạn dậy thì.

✔️ Triệu chứng của bệnh trứng cá

Bệnh biểu hiện với nhiều loại tổn thương khác nhau trên da như mụn cám, mụn đầu trắng, mụn đầu đen, sẩn, sẩn viêm, mụn mủ, mụn bọc, nang... khu trú ở vị trí tiết nhiều chất bã như mặt, ngực, lưng. Mụn có thể viêm hoặc không viêm. Mụn đầu trắng thường ở dưới da, còn mụn đầu đen hình thành do nang lông bít tắc hở ra trên bề mặt da. Nếu nhiễm vi khuẩn sẽ có mụn mủ và xung quanh mụn viêm đỏ, đau. Tiến triển có thể gây ra sẹo thâm, sẹo lõm, sẹo phì đại, sẹo lồi ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

✔️ Nguyên nhân gây bệnh trứng cá

- Nguyên nhân chính xác thì chưa rõ, nhưng hormon androgens có thể đóng vai trò quan trọng. Androgens tăng lên ở cả bé trai và bé gái giai đoạn dậy thì. Hormon này làm cho tuyến bã phát triển hơn, hoạt động mạnh mẽ hơn và tiết ra nhiều chất bã nhờn hơn. Chính vì vậy, trẻ trong giai đoạn dậy thì cũng dễ bị trứng cá hơn so với các giai đoạn khác trong cuộc đời. Thay đổi hormon trước chu kỳ kinh nguyệt cũng là một trong những nguyên nhân gây ra mụn trong vòng 7 ngày trước kỳ kinh ở bé gái tuổi dậy thì và phụ nữ trong giai đoạn sinh đẻ

- Do vi khuẩn Propionibacterium acnes (P. Acnes). Đây là một trực khuẩn Gram (+) yếm khí và hiếu khí nhẹ cư trú trong nang lông, tuyến bã. Bình thường P.acnes cư trú trên da một cách vô hại. Khi các lỗ nang lông bị ứ lại, các chất bã và tế bào chết sẽ tạo nên môi trường kỵ khí và P. Acnes có thể phát triển, trở nên gây bệnh

- Cơ địa gia đình cũng đóng vai trò quan trọng, nếu bố mẹ có trứng cá, con cũng dễ mắc trứng cá hơn so với bình thường.

- Một số thuốc như corticosteroids, lithium, thuốc chống động kinh, thuốc có chứa hormone androgens đếu làm tăng nguy cơ mắc trứng cá.

- Mỹ phẩm nếu dùng không đúng cũng là một trong những nguyên nhân gây bít tắc lỗ chân lông, thủ phạm gây trứng cá.

- Chế độ ăn nhiều chất béo, thức ăn chiên rán, thức ăn nhanh, stress cảm xúc, làm việc không khoa học, như thức quá khuya cũng là một trong những yếu tố làm trầm trọng thêm trứng cá.

- Môi trường ô nhiễm, khí hậu nóng bức cũng là nguyên nhân gây mụn trứng cá

✔️ Chẩn đoán mức độ nặng của bệnh trứng cá

Theo Karen McCoy (2008), bệnh trứng cá chia thành ba mức độ:

- Mức độ nhẹ: dưới 20 tổn thương không viêm, hoặc dưới 15 tổn thương viêm hoặc tổng số lượng tổn thương dưới 30.

- Mức độ vừa: có 20-100 tổn thương không viêm hoặc 15-50 tổn thương viêm, hoặc 20-125 tổng tổn thương.

- Mức độ nặng: trên 5 nang, cục hoặc trên 100 tổn thương không viêm, hoặc tổng tổn thương viêm trên 50 hoặc trên 125 tổng tổn thương.

✔️ Điều trị bệnh trứng cá

- Điều trị mụn trứng cá cần loại bỏ nguyên nhân, điều trị sớm và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sỹ.

- Một số sản phẩm sử dụng tại chỗ dạng kem, lotions, gel, xà phòng v.v… chứa acetic acid, benzoyl peroxide, salicylic acid và sulfur có hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, cần có thời gian để thấy được tác dụng (khoảng 4-8 tuần).

+ Benzoyl peroxide (BPO): thuốc vừa có tính chất diệt khuẩn vừa có tác dụng tiêu sừng ở cổ nang lông.

+ Retinoid: thuốc có tác dụng diệt khuẩn, chống viêm, tiêu sừng và điều hòa miễn dịch tại chỗ. Các thuốc hay được dùng là Tretinoin, Adaphalene, Tazaroten ...

+ Acid azelaic: thuốc có tác dụng tiêu sừng và kháng viêm.

+ Kháng sinh tại chỗ: Clindamycin 1%, Erythromycin ... cũng rất hiệu quả đối với các mụn mủ, mụn viêm, tuy nhiên không nên sử dụng một loại thuốc bôi quá lâu dễ gây ra hiện tượng kháng thuốc.

- Với những người mắc trứng cá trung bình nặng các bác sĩ thường kê đơn uống bao gồm kháng sinh để giảm viêm trong trường hợp cần thiết. Một số thuốc đặc trị như isotretinoin cũng được sử dụng. Thuốc có nhiều tác dụng phụ nên tuân thủ chặt chẽ đơn thuốc của bác sĩ.

- Liệu pháp ánh sáng, laser, cũng là một biện pháp hiệu quả, trong một số trường hợp.

- Liệu pháp hormon: Chỉ định trong trường hợp trứng cá liên quan đến yếu tố nội tiết, mức độ vừa đến nặng, theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị chuyên khoa.

- Cần đến bác sĩ chuyên khoa để được điều trị sẹo xấu, sẹo thâm do mụn trứng cá. Một số phương pháp được dùng bao gồm: lăn kim, laser, gel silicone, thay da sinh học, mài mòn da v.v… có hiệu quả với từng trường hợp người bệnh cụ thể. Nên khám bác sĩ để được tư vấn thích hợp

- Trong quá trình chăm sóc mụn trứng cá, lưu ý không nên nặn mụn, chà sát da quá thường xuyên. Sửa sạch mặt và tẩy trang theo đúng hướng dẫn. Các sản phẩm chăm sóc da mặt nên sử dụng tùy thuộc vào từng loại da dựa theo hướng dẫn của bác sỹ.

- Ăn uống đủ chất, hạn chế các đồ ăn ngọt, nhiều chất béo. Ngủ nghỉ đúng giờ, uống đủ nước là phương pháp tốt để tránh làm mụn trứng cá nặng thêm.