HIỆN TƯỢNG RAYNAUD
01/21/2025 10:50:01 Đăng bởi Hoàng Thị Lâm (0) bình luận

Danh pháp và viết tắt          

Raynaud Phenomenon: Hiện tượng Raynaud (RP)

Primary RP: Hiện tượng Raynaud nguyên phát (PRP)

Secondary RP: Hiện tượng Raynaud thứ phát (SRP)

  1. TỔNG QUAN

Hiện tượng Raynaud (RP) được đặt theo tên của bác sĩ người Pháp Maurice Raynaud (1834 – 1881), là một rối loạn của vi mạch do co thắt mạch từng đợt và thiếu máu cục bộ ở các chi ảnh hưởng đến các ngón tay và ngón chân nhưng có thể xuất hiện ở các bộ phận khác như mũi, tai và núm vú. Hiện tượng này xuất hiện khi gặp lạnh hoặc các stress gây ra các thay đổi màu sắc theo thứ tự trắng – xanh – đỏ. RP có thể là nguyên phát (PRP) hoặc thứ phát (SRP) sau một số bệnh lí. Khoảng 10 – 20% các trường hợp, RP là biểu hiện đầu tiên trước khi khởi phát một bệnh mô liên kết (ví dụ: xơ cứng bì hoặc bệnh mô liên kết hỗn hợp hoặc lupus ban đỏ hệ thống). Tỉ lệ phổ biến là khoảng 3 đến 5%; phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới và người trẻ tuổi bị ảnh hưởng nhiều hơn người cao tuổi. RP có lẽ là do phản ứng adrenergic alpha-2 gây ra chứng co thắt mạch, cơ chế không được xác định. Chẩn đoán RP dựa vào lâm sàng với các tiêu chí của Brennan, Wigley, LeRoy, Medsger, Maricq. Tuy nhiên các tiêu chuẩn này hạn chế do chỉ dựa vào lâm sàng. Hội đồng thuận Delphi 2011 đưa ra các bước tiếp cận trong chẩn đoán RP. Chẩn đoán hội chứng Raynaud chủ yếu dựa trên triệu chứng lâm sàng thay đổi màu sắc da. Nhóm Delphi đưa ra các tiêu chí chẩn đoán mới cho RP. Điều trị những trường hợp không biến chứng bao gồm tránh lạnh, ngừng hút thuốc và nếu cần, làm giãn mạch bằng các chất chẹn kênh Ca (ví dụ nifedipine) hoặc prazosin.

  1. TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN HIỆN TƯỢNG RAYNAUD THEO HỘI ĐỒNG THUẬN DELPHI năm 2011

Bước 1: Đưa ra câu hỏi sàng lọc "Ngón tay của bạn có nhạy cảm với lạnh không?" Nếu có thực hiện Bước 2.

Bước 2: Đánh giá thay đổi màu sắc da hai pha trắng và xanh. Nếu có thực hiện Bước 3.

Bước 3: Đánh giá 7 tiêu chí:

Có yếu tố nguy cơ khác mà không phải là tiếp xúc với lạnh (ví dụ như stress).

Triệu chứng xuất hiện ở cả hai bàn tay, thậm chí không đối xứng và/hoặc không đồng đều.

Kèm theo tê bì và/hoặc dị cảm.

Đường ranh giới phân biệt giữa vùng da bị ảnh hưởng và không ảnh hưởng.

Có ảnh chụp (bệnh nhân cung cấp) điển hình hỗ trợ chẩn đoán hội chứng Raynaud.

Có thể xuất hiện ở vị trí khác trong cơ thể như mũi, tai, bàn chân, núm vú.

Thay đổi màu sắc da ba pha: trắng, xanh (tím), hồng trở lại.

Chẩn đoán xác định RP: khi có từ ba tiêu chuẩn từ 1 đến 7 ở Bước 3.

  1. TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN PRP

Đáp ứng tiêu chí ba bước chẩn đoán hiện tượng Raynaud ở trên.

Soi giường móng mao mạch bình thường.

Không phát hiện nguyên nhân thứ phát qua khám lâm sàng.

Không có tiền sử mắc bệnh mô liên kết hỗn hợp đang tồn tại.

ANA âm tính hoặc hiệu giá ANA thấp 1:40 (được xác định bằng xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang gián tiếp).

  1. TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Wigley F.M. và Flavahan N.A. (2016). Raynaud’s Phenomenon. N Engl J Med, 375(6), 556-565.
  2. Maverakis E., Patel F., Kronenberg D. và cộng sự. (2014). International Consensus Criteria for the Diagnosis of Raynaud’s Phenomenon. J Autoimmun, 0, 60-65.
  3. Shoendeld Y., Cervera R., và Gershwin M.E. (2008), Diagnostic Criteria in Autoimmune Diseases, USA.