-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-

TỰ MIỄN DỊCH DO THUỐC
01/21/2025 10:44:00
Đăng bởi Hoàng Thị Lâm
(0) bình luận
Danh pháp và viết tắt
Drug-Induced Lupus: Lupus do thuốc (DIL)
Drug-Induced Autoimmunity: Tự miễn dịch do thuốc (DIA)
Systemic Lupus Erythematous: Lupus ban đỏ hệ thống (SLE)
- TỔNG QUAN
Tự miễn dịch do thuốc (DIA) bao gồm nhiều đặc điểm biến đổi về lâm sàng và huyết thanh sau khi tiếp xúc với thuốc, điển hình là lupus do thuốc (DIL). Mặc dù DIA đã được biết đến hơn 50 năm nay nhưng ngày càng xuất hiện nhiều thuốc mới đã làm tăng tỉ lệ mắc bệnh. Một vài thuốc liên quan đến kháng thể kháng nhân, kháng dsDNA, kháng bào tương bạch cầu đa nhân trung tính (ANCA). DIA lần đầu tiên được mô tả năm 1945, 1953 với bệnh lupus nghi ngờ do sulfadiazine, và hydralazine. Từ đó đến nay, có hơn 100 thuốc liên quan đến DIL như kháng sinh, chống nấm, hạ huyết áp, chống loạn nhịp, chống động kinh, kháng giáp trạng tổng hợp, thuốc sinh học và các cytokins. Ở Mỹ mỗi năm có khoảng 15 000 – 20 000 ca DIL, chiếm khoảng 10% SLE, hay gặp ở người da trắng hơn người da đen. DIL so với SLE thì tỉ lệ nữ ít gặp hơn, 63% bệnh nhân DIL là trên 50 tuổi. Cơ chế bệnh sinh có thể do phá vỡ dung nạp miễn dịch ở trung ương và ngoại vi, phản ứng chéo của tế bào T với các tự kháng nguyên. DIA có thể biểu hiện lâm sàng đa dạng từ tổn thương một vài cơ quan cho tới toàn bộ cơ thể như sốt, ban ở da, đau cơ, đau khớp, loét miệng, nhạy cảm với ánh sáng, rụng tóc, viêm thanh mạc, viêm gan tự miễn, viêm mạch; rối loạn hệ tạo máu, tiêu hoá, thận và hệ thần kinh trung ương,… Xuất hiện các kháng thể kháng nhân (ANAs), kháng histone, kháng cardiolipin, RF và một số tự kháng thể khác. Biểu hiện lâm sàng và đặc điểm huyết thanh học phụ thuộc vào tuỳ từng loại thuốc và bệnh tự miễn do thuốc như DIL, viêm mạch do thuốc, hội chứng kháng phospholipid do thuốc, tự miễn do thuốc kháng giáp trạng, tự miễn do điều trị TNF. Chẩn đoán DIA không đơn giản, cần dựa vào tiền sử dùng thuốc, đặc điểm lâm sàng và xét nghiệm, chủ yếu là chẩn đoán loại trừ. Bệnh hiếm khi gây nguy hiểm đến tính mạng, phần lớn bệnh nhẹ và thuyên giảm sau khi ngừng thuốc. DIA tiên lượng tốt nếu ngừng thuốc gây bệnh. Bệnh khỏi sau vài ngày hoặc vài tuần, glucocorticoid ngắn ngày là cần thiết và đôi khi cần dùng thuốc ức chế miễn dịch khi có tình trạng viêm mạch tiến triển.
- TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN DIA
Tiêu chuẩn gợi ý tự miễn dịch do thuốc:
- Không gặp ở những bệnh nhân đã có tiền sử tiếp xúc với thuốc nhiều lần trước đó.
- Triệu chứng xuất hiện sau khi dùng thuốc.
- Bệnh cải thiện sau khi ngừng thuốc.
- Bệnh tái phát khi sử dụng lại thuốc đó.
Sơ đồ tiếp cận chẩn đoán DIA:
- TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Shoendeld Y., Cervera R., và Gershwin M.E. (2008), Diagnostic Criteria in Autoimmune Diseases, USA.
- Xiao X. và Chang C. (2014). Diagnosis and classification of drug–induced autoimmunity (DIA). J Autoimmun, 48-49, 66-7
- Borchers A.T., Keen C.L., và Gershwin M.E. (2007). Drug–induced lupus. Ann N Y Acad Sci, 1108, 166-182.
- Vasoo S. (2006). Drug–induced lupus: an update. Lupus, 15(11), 757-761.
PGS. TS. BS. Hoàng Thị Lâm (chủ biên) và các tác giả