che-do-an-cua-benh-nhan-lupus
Chế độ ăn của bệnh nhân lupus
04/23/2023 06:34:00 Đăng bởi Hoàng Thị Lâm (0) bình luận

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như da, cơ xương khớp, thận, tim mạch, tiêu hóa, hô hấp, thần kinh v.v…. Giống như các bệnh tự miễn khác, bệnh xuất hiện là do sai lầm của hệ miễn dịch, thay vì chiến đấu với các tác nhân xâm nhập gây bệnh và bảo vệ cơ thể thì hệ miễn dịch cho rằng các tế bào của cơ thế là ‘kẻ thù’ và quay lại tấn công chính các tế bào, hệ cơ quan của cơ thể mình. Bên cạnh thuốc điều trị, chế độ ăn cũng góp phần quan trọng trong việc duy trì cơ thể khỏe mạnh để giúp kiểm soát bệnh. Thực tế, không có thức ăn nào có thể điều trị được bệnh lupus cũng như không có một chế độ ăn đặc biệt nào dành cho người bệnh lupus, bắt buộc họ phải tuân thủ. Tuy nhiên, chế độ ăn tốt cho sức khỏe hay còn gọi là chế độ ăn lành mạnh mang đến sự khác biệt rất lớn trong quá trình kiểm soát bệnh lupus. Mặc dù vậy, người bệnh cũng không cần quá căng thẳng để tuân theo một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, chỉ cần một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng với các thực phẩm lành mạnh mà bạn yêu thích là đủ. Với người bệnh lupus ban đỏ hệ thống, chế độ ăn lành mạnh có thể giúp: 1) Giảm viêm và làm nhẹ các triệu chứng khác; 2) Duy trì sự chắc khỏe của cơ xương; 3) Giảm nhẹ tác dụng phụ của thuốc điều trị; 4) Duy trì cân nặng lý tưởng; 5) Giảm nguy cơ bệnh tim mạch, đái tháo đường.

Vậy thế nào là chế độ ăn lành mạnh cho người bệnh lupus ban đỏ hệ thống? Đó là chế độ ăn đa dạng, cung cấp đủ dinh dưỡng và năng lượng cần thiết cho cơ thể. Để đạt được điều này, chúng ta cần ăn nhiều rau và hoa quả, ăn lúa mì nguyên cám, gạo lứt, yến mạch, cung cấp đạm từ nhiều nguồn như từ hải sản, đạm thực vật, từ thịt nạc, thịt gia cầm v.v… Chất béo nên nghiêng về chất béo thực vật (dầu oliver, dầu quả bơ, dầu lạc) và dầu cá. Những người bệnh ăn kiêng vẫn có thể tiếp tục chế độ ăn kiêng của mình. Tuy nhiên, phải chắc chắn chế độ ăn này cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu của cơ thể. Những người ăn kiêng phải cung cấp thêm vitamin B12, vì đây là loại vitamin chỉ có ở thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Lupus ban đỏ hệ thống làm tăng nguy cơ loãng xương. Do bệnh nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, nên hầu như bệnh nhân lupus không thể nhận vitamin D từ ánh nắng mặt trời, cộng thêm việc sử dụng corticosteroid dẫn đến việc giảm hấp thu canxi từ đường tiêu hóa cũng như giảm tạo khung protein của xương và giảm gắn canxi vào xương. Chính vì thế, chế độ ăn giàu canxi rất quan trọng để xương chắc khỏe. Các lá cây xanh thẫm như rau chân vịt, cải xoăn, các thực phẩm được làm từ sữa như sữa tươi, sữa chua, sữa đậu nành hoặc các loại ngũ cốc nguyên hạt đều chứa rất nhiều canxi.

Các thực phẩm có chứa acid béo omega-3 như các chất béo từ hải sản (cá hồi, cá sardine, cá thu, hàu, tôm, tảo biển …), các loại hạt như hạnh nhân, hạt cây gai vv… rất tốt cho tim mạch. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung các chất chống oxi hóa như vitamin A, vitamin B, vitamin E. Đây là các vitamin có tác dụng giảm viêm và chống thương tổn tế bào. Một số người bệnh thấy rằng các thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa đợt cấp. Các thưc phẩm chứa nhiều chất chống oxi hóa có trong hoa quả, rau, các loại hạt, ngũ cốc, trà xanh và trà đen.

Bên cạnh những thức ăn tốt cho người bệnh lupus ban đỏ hệ thống, những thức ăn nào nên hạn chế? Đó là muối, chất béo bão hòa, đường. Chế độ ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch, đột quỵ. Nên ưu tiên chế biến thực phẩm tại nhà, vì chúng ta có thể kiểm soát được khẩu phần muối trong chế độ ăn của mình. Cần kiểm tra hàm lượng muối trên bao bì của các thực phẩm đóng gói sẵn. Tăng hương vị của món ăn bằng các loại rau thơm và gia vị thay vì muối. Mì chính là một loại gia vị chứa rất nhiều muối, thêm nữa trong quá trình chế biến dưới ảnh hưởng của nhiệt, dễ tạo ra các chất không tốt cho sức khỏe, không nên sử dụng. Chất béo bão hòa (chất béo có trong thịt động vật và các chế phẩm sữa) làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đái tháo đường. Chính vì vậy, thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo chưa bão hòa sẽ làm giảm các nguy cơ nói trên. Trong quá trình chế biến, nên dùng dầu olive thay cho bơ và nên ăn thịt gà hoặc cá thay vì xúc xích. Nên chọn sữa ít hoặc không có chất béo thay vì sữa nguyên kem. Sữa chua cũng rất tốt cho sức khỏe.

Một thức ăn được ưa chuộng khác là đường, tuy nhiên, đây là một loại thức ăn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và bệnh đái tháo đường. Đường có trong một số thức ăn sẵn hoặc các loại thức uống có gas như soda, coca cola v.v… và đường cũng có trong mật ong, siro v.v… mà các bạn sử dụng ở nhà. Chính vì vậy, nên uống nước suối thay vì các loại thức uống có chứa đường như soda, cocacola….. Ăn hoa quả tráng miệng thay vì bánh ngọt hoặc kem. Nên uống café và trà không đường. Nếu bạn uống rượu, chỉ nên uống nhiều nhất một ly mỗi ngày. Lưu ý về việc tương tác giữa rượu và một số thuốc điều trị lupus, đặc biệt là thuốc chống đông.

Một số thức ăn cụ thể người bệnh lupus nên tránh: 1) Rau linh lăng: Các nhà khoa học cho rằng, các chất trong rau linh lăng có thể gây khởi phát đợt cấp lupus, cho nên chúng ta nên tránh ăn các thức ăn từ rau linh lăng hoặc mầm rau linh lăng. 2)Tỏi: Các thành phần trong tỏi như allicin, ajoene và thiosulfinates có thể gây tăng bạch cầu có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, với bệnh nhân lupus, sự thay đổi này của hệ miễn dịch có thể dẫn tới đợt cấp. Ăn ít tỏi, không thành vấn đề, nhưng nếu tránh được thì nên tránh. 3) Cúc tím: Cúc tím là một thành phần có trong nhiều loại thực phẩm chức năng để tăng cường miễn dịch, chống cảm cúm và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên. Tuy nhiên, với những người có bệnh tự miễn thì cúc tím không tốt cho hệ miễn dịch. Tư vấn bác sĩ trước khi sử dụng thực phẩm chức năng để chắc chắn những loại này không chứa cúc tím.

  Tóm lại, chế độ ăn lành mạnh cân đối rất có lợi cho người bệnh lupus ban đỏ hệ thống vì sẽ cung cấp đầy đủ dưỡng chất, vitamin và muối khoáng để ngăn ngừa các triệu chứng viêm cũng như biến chứng của bệnh và tác dụng phụ do dùng thuốc. Nên tránh các thuốc tăng cường hệ miễn dịch vì có thể gây ảnh hưởng không tốt đến diễn tiến của bệnh và có thể gây ra các triệu chứng tự miễn khác. Tư vấn bác sĩ điều trị trong trường hợp cần thiết để có sự điều chỉnh kịp thời trong chế độ ăn hàng ngày.

 

PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm

Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

 

 

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN