hoi-chung-raynaud
HỘI CHỨNG RAYNAUD
02/07/2019 16:05:00 Đăng bởi Hoàng Thị Lâm (0) bình luận

Hội chứng Raynaud là hiện tượng một số bộ phận của cơ thể như: đầu chi (tay, chân) đầu mũi, tai v.v… đổi màu, lạnh, cứng và rất đau khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh hoặc stress cảm xúc. Nếu nhẹ thì da tại các vùng đó sẽ trở nên nhợt nhạt, hoặc đỏ sau đó chuyển sang màu tím và nặng hơn có thể có hoại tử đen, nhiễm trùng v.v... 
Bệnh gặp nhiều ở nữ giới, tuổi hay gặp là từ 15 đến 30 tuổi. Những người làm một số công việc như đánh máy thường xuyên, đánh đàn v.v…cũng dễ gặp hội chứng Raynaud hơn so với người bình thường. Hội chứng Raynaud dễ xuất hiện vào mùa lạnh. Không khí lạnh làm cho các vi mạch máu ở đầu chi, tai, đầu mũi co lại khiến cho tế bào hồng cầu không qua được mạch máu hẹp, hoặc giả sử có qua được thì cũng bị vỡ nên mất chức năng dẫn đến thiếu máu nuôi tại vị trí các mô đó. Lâu dần, các vi mạch máu này dày lên, thay đổi cấu trúc giường mao mạch càng khiến cho quá trình thiếu máu nặng hơn. Raynaud là một hội chứng có thể tiên phát hoặc thứ phát trong nhiều bệnh khác nhau. Hay gặp nhất là đi kèm với các bệnh tự miễn như xơ cứng bì, lupus ban đỏ hệ thống (SLE), bệnh mô liên kết hỗn hợp (MCTD), viêm khớp dạng thấp v.v…. Bệnh cũng có thể xuất hiện sau dùng một số thuốc nhất định ở những cá thể nhạy cảm. 
Về mặt điều trị, quan trọng nhất là tránh lạnh (cực kỳ quan trọng) và cân bằng cảm xúc (việc này hơi khó). Tránh lạnh bằng cách nào: Thứ nhất: không rửa tay hoặc nhúng tay vào nước lạnh, không lấy đồ trực tiếp từ trong tủ lạnh. Đi găng và giữ ấm bất cứ lúc nào cảm thấy lạnh. Không uống nước đá hoặc nước giữ trong tủ lạnh. Giữ ấm toàn cơ thể cũng giúp cho đầu chi ấm. Thứ hai: không dùng thuốc co mạch, cho dù là thuốc xịt mũi v.v… Không dùng thuốc tránh thai, thuốc chẹn bêta. Thứ ba: không hút thuốc lá, café và tốt nhát nên đổi nghề nếu bạn đang làm những nghề như đánh máy, đánh đàn v.v… vì nếu không sẽ làm nặng bệnh lên Tập thể dục thường xuyên cũng là biện pháp tốt, nâng cao thể trạng toàn thân để tăng khả năng miễn dịch của cơ thể. 
Đi khám bác sỹ kịp thời khi những biện pháp trên đã thực hiện mà bệnh không thuyên giảm.
.......................................................................................

PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm
Bộ môn Dị ứng-MDLS

Đại học y Hà Nội
Bệnh viện Bạch mai

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN