may-day-chan-doan-va-dieu-tri
MÀY ĐAY, CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ
05/10/2019 05:11:48 Đăng bởi Hoàng Thị Lâm (0) bình luận

BSNT. Nguyễn Phương Nhung, PGS. TS. BSNT. Hoàng Thị Lâm

Mày đay là một trong những biểu hiện hay gặp nhất của các bệnh cảnh dị ứng. Tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng nhưng lại gây phiền toái rất nhiều cho người bệnh, làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Nguyên nhân gây bệnh đa dạng, khai thác tiền sử lâm sàng để tìm yếu tố khởi phát là đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên đa số các trường hợp mày đay lại là vô căn, tự phát, vì thế việc điều trị dứt điểm trở nên khó khăn, dai dẳng.

Mày đay có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào. Độ tuổi khởi phát trung bình từ 20 – 40 tuổi. Tổn thương đặc trưng là các sẩn phù hoặc ban dát đỏ trên da đường kính vài mm đến vài cm, ranh giới rõ, mật độ chắc, hình tròn hoặc hình bầu dục, ngứa nhiều hoặc có cảm giác nóng rát trên da. Ban đỏ này có thể tự mất đi trong khoảng thời gian 24 – 48 giờ

Mày đay có thể mọc ở nhiều vị trí như ở trên da hoặc thanh quản gây khó thở, ở đường tiêu hóa gây đau bụng, tiêu chảy. Khoảng 40% bệnh nhân mày đay có kèm theo phù Quincke, dẫn đến sưng mắt, môi hoặc những mô lỏng léo. Nếu là may đay nhiễm trùng, bệnh nhân có thể có sốt. Có nhiều cách phân loại mày đay trên lâm sàng. Nếu theo thời gian, mày đay cấp được định nghĩa là tổn thương mày đay diễn ra dưới 6 tuần, là  “mạn tính” nếu bệnh cảnh kéo dài trên 6 tuần. và xuất hiện tổn thương gần như hàng ngày

Cũng có thể phân loại mày đay theo nguyên nhân: Mày đay do dị ứng: do thuốc (các thuốc chống viêm giảm đau nhóm NSAID, kháng sinh, thuốc giãn cơ…), thức ăn (trẻ em: trứng, sữa; người lớn: các loại hạt, động vật có vỏ như các loại hải sản), mỹ phẩm, hóa chất, lông súc vật (chó, mèo) … hoặc mày đay không do dị ứng: do yếu tố vật lý (nóng, lạnh, ánh sáng, áp lực, vận động, nước, chứng vẽ nổi da), tiếp xúc, tự miễn, nhiễm trùng (virus, vi khuẩn, kí sinh trùng), bệnh lý ác tính toàn thân …

Việc chẩn đoán mày đay không khó khăn, tuy nhiên để chẩn đoán nguyên nhân, từ đó điều trị dứt điểm, bệnh nhân cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa Dị ứng. Một số xét nghiệm có thể làm để giúp xác định nguyên nhân mày đay như

  • Test lẩy da (prick test): với dị nguyên nghi ngờ
  • Định lượng IgE đặc hiệu với dị nguyên nghi ngờ                      

Đối với mày đay mạn tính, gần 70% các trường hợp là vô căn, tuy nhiên nếu tìm được nguyên nhân thì việc điều trị có hiệu quản hơn rất nhiều. Tránh tiếp xúc với dị nguyên gây bệnh sẽ giảm hoặc cắt hẳn các đợt tái phát của bệnh. Với các trường hợp mày đay mạn các bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm:

  • Công thức máu, máu lắng, chức năng hóc môn tuyến giáp, chức năng gan, virus viêm gan, tổng phân tích nước tiểu
  • Test huyết thanh tự thân (ASST)

Khi không xác định được nguyên nhân, điều trị có thể cần thời gian nhiều hơn. Nêu lưu ý, hạn chế gãi,chà sát mạnh trên da, tránh các chất kích thích, nên tắm nước lạnh, tránh tắm nước nóng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, mặc quần áo rộng rãi thoáng mát. Nghỉ ngơi, giảm các hoạt động stress cũng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu các biện pháp trên không giúp ích nhiều, thì người bệnh nên đến khám các bác sĩ chuyên khoa Dị ứng để được điều trị. Các thuốc hay được dùng bao gồm:

- Thuốc  kháng histamine H1 thế hệ 2 (có thể phối hợp thêm thế hệ 1 khi cần). Trên những đối tượng bệnh nhân đặc biệt như phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em dưới 1 tuổi việc dùng thuốc là hạn chế. Tuy nhiên nếu nhất thiết phải điều trị, cần lựa chọn thuốc kháng histamine an toàn. Hiện nay chlorampheramine, loratadine là những thuốc được khuyến cáo tương  đối an toàn cho phụ nữ có thai. Cetirizine và loratadin được nghiên cứu là tiết ra sữa mẹ với nồng độ thấp nhất. Với trẻ em dưới 1 tuổi, chỉ chlorampheramine và hydroxyzine được khuyến cáo sử dụng.

- Corticoid ngắn ngày (đường uống hoặc đường tĩnh mạch tùy mức độ). Corticoid dài ngày được cân nhắc ở những bệnh nhân mày đay viêm mạch hoặc mày đay áp lực có trì hoãn.

- Kháng leukotrien, có thể được dung phối hợp ở bệnh nhân mày đay mạn không đáp ứng với kháng histamine đơn thuần.

- Những trường hợp mày đay mạn khó điều trị, tùy nguyên nhân căn nhắc dùng: omalizumab, cyclosporine, methotrexat, azathioprin, dapson ...

Thời gian mỗi đợt điều trị  mày đay cấp trung bình 10 – 14 ngày, mày đay mạn trung bình từ 3 – 6 tháng

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN