-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
DỊ ỨNG THUỐC, CÁC VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM
07/07/2019 16:03:00
Đăng bởi Hoàng Thị Lâm
(0) bình luận
Ở nước ta, rất dễ dàng mua thuốc ở hiệu thuốc, thậm chí cả các thuốc cần kê đơn. Nhiều người dân dường như có một thói quen cứ hễ ốm là lại tự ý ra cửa hàng thuốc mua thuốc tự uống mà không có sự chỉ định, kê đơn của bác sĩ. Tự ý dùng thuốc sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy do không nắm rõ mình nên dùng thuốc nào, liều lượng cách duùng và thời gian dùng thuốc ra sao? Vì những điều này chỉ có bác sĩ mới biết được. Nhiều lúc dùng thuốc không đúng sẽ dẫn đến không khói bệnh. Tự ý dùng thuốc có thể dẫn đến kháng thuốc, đặc biệt là dùng kháng sinh. Như vậy lần sau không có thuốc để dùng, chỉ một nhiễm trùng đơn giản thậm chí cũng có thể gây tử vong. Và cuối cùng tai biến do tự ý dùng thuốc cao hơn hẳn so với bình thường, Có những bệnh nhân tự ý dùng thuốc cuối cùng bị tử vong vì tai biến do dùng thuốc, đặc biệt là dị ứng thuốc. Đã có rất nhiều trường hợp bị dị ứng thuốc gây tổn hại đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của mình.
Dị ứng thuốc được chia làm nhiều mức độ khác nhau dựa vào từng bệnh cảnh lâm sàng cũng như thuốc gây dị ứng. Nhẹ thì chỉ có các ban đỏ ngứa trên da, như bệnh mày đay hoặc có thể có phù mắt môi hoặc những vùng da lỏng lẻo hay còn gọi là phù mạch. Nặng hơn nữa có thể xuất hiện các mụn nước, bọng nước trong hồng ban đa dạng, hồng ban nhiễm sắc cố định, thậm chí có thể tổn thương da nặng do dị ứng thuốc như có loét trợt da, hoại tử niêm mạc các hốc tự nhiên gặp trong hội chứng Stevens Johnson, hội chứng Lyell, hội chúng DRESS, AGEP v.v... Tổn thương các cơ quan trong cơ thể như suy gan suy thận. Thời gian xuất hiện dị ứng thuốc cũng rất khác nhau giữa các thể bệnh. Trong sốc phản vệ, các triệu chứng xuất hiện nhanh sau dùng thuốc từ vài phút đến 1 giờ. Lúc đầu, bệnh nhân có thể có khó chịu hoặc hoa mắt chóng mặt sau dùng thuốc, sau đó nổi ban đỏ ngứa trên da và có thể tiến triển dần đến khó thở, thở rít, đau bụng tiêu chảy thậm chí suy hô hấp trụy tim mạch. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ rất nhanh chóng tử vong. Tuy nhiên, có những thuốc lại gây dị ứng rất chậm, sau vài ngày thậm chí vài tuần sau dùng thuốc. Chính vì vậy, người bệnh rất dễ nhầm lẫn và bỏ sót khi nhớ lại các thuốc đã dung gây dị ứng.
Y học ngày càng phát triển, hiện nay chẩn đoán dị ứng thuốc gặp rất nhiều thuận lợi. Các bác sĩ chuyên khoa Dị ứng Miễn dịch sẽ thăm khám bệnh nhân dựa trên tiền sử và hỏi bệnh để phát hiện thuốc nghi ngờ dị ứng. Từ đó sẽ giúp khẳng định thêm nguyên nhân bằng các xét nghiệm như test da, test kích thích, xét nghiệm máu, sàng lọc genes v.v…. Mỗi một phương pháp được đưa ra dựa trên bệnh cảnh lâm sàng của dị ứng thuốc cũng như nguyên nhân thuốc gây dị ứng.
Để điều trị hiệu quả dị ứng thuốc, ngừng thuốc nghi ngờ gây dị ứng vẫn là phương pháp quan trọng hàng đầu. Các biện pháp điều trị tiếp theo dựa hoàn toàn vào bệnh cảnh lâm sàng, vào chẩn đoán thể bệnh dị ứng thuốc. Nếu là sốc phản vệ, adrenalin sẽ là thuốc hàng đầu, càng dùng sớm, dùng chính xác thì tiên lượng của người bệnh càng tốt. Bên cạnh đó, các biện pháp hỗ trợ cũng rất quan trọng. Nếu bệnh nhân vẫn phải tiếp tục dung thuốc đã bị dị ứng do không có thuốc thay thể thì các bác sĩ sẽ sử dụng liệu pháp miễn dịch tức là điều trị giảm mẫn cảm để bệnh nhân có thể dung thuốc mà không có bất cứ tai biến nào.
Tuy nhiên, lưu ý cho lần dung thuốc kế tiếp là vô cùng quan trọng cho người bệnh để họ không bị dị ứng lần nữa. Người dân phải có kiến thức dùng thuốc, chỉ khi bị bệnh mới dùng thuốc và nên đi khám tại các cơ sở y tế và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ chứ không nên dùng thuốc theo hướng dẫn của người khác, cũng như không dùng lại đơn của người khác để chữa bệnh cho mình.
Như vậy, thuốc bên cạnh tác dụng điều trị thì cũng có thể mang đến những điều không mong muốn nếu chúng ta chủ quan, tự ý sử dụng thuốc không theo đơn hay chỉ dẫn của bác sĩ. Hãy sử dụng thuốc đúng cách, an toàn và hiệu quả.
PGS. TS. Hoàng Thị Lâm
Bộ môn Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Đại học Y Hà Nội.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội