ho-i-chu-ng-antiphospholipid
Hội chứng Antiphospholipid
01/31/2021 18:41:00 Đăng bởi Hoàng Thị Lâm (0) bình luận

Hội chứng kháng phospholipid hay còn gọi là hội chứng antiphospholipid (APS) là bệnh tự miễn, thường gặp ở phụ nữ trẻ, từ 30-40 tuổi, tỉ lệ nữ/nam ~ 5/1. Bệnh nhân APS xuất hiện tự kháng thể kháng phospholipid trong máu, từ đó tạo ra các cục máu đông trong lòng mạch, dẫn đến các triệu chứng như nhồi máu phổi, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tắc tĩnh mạch sâu, thiếu máu cơ tim thoáng qua, sùi van tim, động kinh, mảng xanh tím livedo v.v…. Đối với phụ nữ mang thai, bệnh gây tình trạng sảy thai tái diễn, thai chậm hoặc ngừng phát triển trong tử cung. Bệnh thường đi kèm với giảm tiểu cầu mức độ trung bình. Khoảng 1-5% dân số có kháng thể kháng phospholipid. Các kháng thể này bao gồm kháng thể kháng cardiolipin, kháng thể kháng β2glycoprotein, và kháng đông lupus. Tuy nhiên, phần lớn những người có kháng thể kháng phospholipids hoàn toàn khỏe mạnh, chỉ một phần nhỏ trong số đó tiến triển thành hội chứng kháng phospholipid. Bệnh hay đi kèm với một số bệnh như Lupus ban đỏ hệ thống, (30%), hoặc tắc tĩnh mạch sâu, (30%). Khoảng 25% bệnh nhân đột quỵ sớm dưới 50 tuổi, và 10% bệnh nhân sẩy thai tái diễn có phối hợp với hội chứng antiphospholipid. Khoảng 1% bệnh nhân APS có thể có thảm họa APS, đây là biến chứng nặng của hội chứng antiphospholipid, bệnh diễn biến trong thời gian ngắn, dẫn đến tổn thương tiến triển nhiều cơ quan nội tạng. Tỉ lệ tử vong của bệnh trong trường hợp này rất lớn nếu không được điều trị kịp thời. Phần lớn các bệnh nhân APS được chẩn đoán sau các biến cố tắc mạch, hoặc thai sản, chính vì thế, điều trị chủ yếu là dự phòng tắc mạch, hoặc dự phòng biến cố thai sản. Các thuốc chống đông dùng lâu dài, như heparin trọng lượng phân tử thấp, hoặc kháng vitamin K, hoặc kháng Xa, hoặc ức chế trực tiếp thrombin và/hoặc kèm các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu là biện pháp đươc các bác sỹ lựa chọn. Các biện pháp loại bỏ kháng thể như corticoid, ức chế miễn dịch hay thay huyết tương chỉ là các biện pháp tạm thời, thường được chỉ định khi có bệnh đi kèm ví dụ như lupus ban đỏ hệ thống (SLE), hoặc trong tình trạng bệnh nặng đe dọa tính mạng.

TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN HỘI CHỨNG KHÁNG PHOSPHOLIPID

Tiêu chuẩn lâm sàng

1. Tắc mạch

Có ít nhất một lần tắc mạch (tĩnh mạch, động mạch hoặc các mạch máu nhỏ) ở bất kỳ mô hoặc cơ quan nào trong cơ thể. Tắc mạch phải được xác định bằng chẩn đoán hình ảnh hoặc siêu âm Doppler hoặc mô bệnh học và được loại trừ các bệnh tắc tĩnh mạch bề mặt. Chẩn đoán bằng mô bệnh học phải loại trừ tình trạng viêm thành mạch.

2. Biến cố thai sản

(a) Có ít nhất một lần thai lưu không rõ nguyên nhân (không có bất thường thai nhi) từ tuần 10 thai kỳ trở lên. Không có bất thường thai nhi phải đươc xác định bằng siêu âm hoặc qua thăm khám thai nhi hoặc

(b) Có ít nhất một lần sinh non không rõ nguyên nhân (không có bất thường thai nhi) trước tuần 34 thai kỳ do: (a) sản giật hoặc tiền sản giật nặng, hoặc (b) có dấu hiệu suy tuần hoàn rau thai hoặc

(c) Có ít nhất 3 lần sẩy thai ngẫu nhiên liên tiếp trước 10 tuần thai kỳ không do bất thường về giải phẫu hoặc hormone của mẹ hoặc bất thường về nhiễm sắc thể.

Tiêu chuẩn xét nghiệm

  1. Kháng thể kháng cardiolipin IgG và/hoặc IgM dương tính hiệu giá từ trung bình trở lên trong ít nhất 2 lần kiểm tra cách nhau ít nhất 12 tuần được xác định bằng phương pháp ELISA chuẩn
  2. Có sự hiện diện của kháng thể kháng đông Lupus trong huyết tương, ít nhất hai lần cách nhau ít nhất 12 tuần, được xác định theo hướng dẫn của Hội tắc mạch và tán huyết Quốc tế
  3. Kháng thể kháng β2glycoprotein I IgG và/hoặc IgM dương tính trong ít nhất 2 lần kiểm tra cách nhau ít nhất 12 tuần được xác định bằng phương pháp ELISA chuẩn

Hội chứng antiphospholipid được xác định khi có ít nhất 1 tiêu chuẩn lâm sàng và 1 tiêu chuẩn xét nghiệm, trong đó xét nghiệm lần đầu tiên được thực hiện ít nhất 12 tuần kể từ khi có triệu chứng lâm sàng.

TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN THẢM HỌA APS

  1. Có sự tham gia của ít nhất 3 cơ quan nội tạng, toàn thân và/hoặc mô
  2. Các triệu chứng tiến triển đồng thời hoặc dưới 1 tuần
  3. Tắc mạch nhỏ của ít nhất một cơ quan hoặc mô được xác định bằng mô bệnh học
  4. Có kháng thể kháng phospholipid (kháng đông lupus và/hoặc kháng thể kháng cardiolipine) dương tính

aTắc mạch nên được xác định bằng chẩn đoán hình ảnh. Tổn thương thận được định nghĩa bằng tăng creatinin >50%, tăng huyết áp nặng (>180/100 mmHg), và/hoặc protein niệu (>500ng/24h)

bMô bệnh học xác định tình trạng tắc mạch, có thể có viêm mạch đi kèm

cNếu bệnh nhân chưa được chẩn đoán APS, xét nghiệm kháng thể kháng phospholipid cần làm ít nhất 2 lần cách nhau ít nhất 6 tuần.

Chẩn đoán xác định thảm họa APS có cả 4 tiêu chuẩn trên

Nghi ngờ thảm họa APS khi

  • Có cả 4 tiêu chuẩn, nhưng tiêu chuẩn 1 chỉ có tổn thương 2 cơ quan nội tạng
  • Có cả 4 tiêu chuẩn, nhưng thời gian xác định kháng thể <6 tuần, do bệnh nhân tử vong sớm hoặc bệnh nhân chưa bao giờ xét nghiệm kháng thể kháng phospholipid trước khi xảy ra thảm họa APS
  • Chỉ có tiêu chuẩn 1,2 và 4
  • Chỉ có tiêu chuẩn 1,3 và 4 và bệnh tiến triển hơn một tuần nhưng dưới 1 tháng, mặc dù có dùng thuốc chống đông

Độ nhạy của tiêu chuẩn chẩn đoán: 90,3%

Độ đặc hiệu của tiêu chuẩn chẩn đoán: 99,4%

Giá trị chẩn đoán dương tính: 99,4%

Giá trị chẩn đoán âm tính: 91,1%

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN