-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
TÁO BÓN Ở TRẺ EM
02/04/2019 23:28:00
Đăng bởi Hoàng Thị Lâm
(0) bình luận
PGS. TS. BSNT Hoàng Thị Lâm
Táo bón là vấn đề hay gặp ở trẻ em. Rất may mắn, hầu hết các trường hợp táo bón trẻ em đều tạm thời. Táo bón là khi trẻ đi ngoài ít hơn 2-3 lần/tuần, phân khô cứng, kích thước phân lớn thậm chí có thể gây tắc toilet. Có thể có máu theo phân và trẻ thường đau khi đi ngoài. Một số trẻ có thể có nứt hậu môn hoặc sa trực tràng. Táo bón thường ít khi gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nên đưa trẻ đến khám bác sĩ khi trẻ bị táo bón kéo dài hơn hai tuần hoặc trẻ có kèm theo các triệu chứng sau: Sốt, nôn, đi ngoài phân có máu, đau chướng bụng, sụt cân, vết nứt hậu môn đau. Có dấu hiệu sa trực tràng.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng táo bón ở trẻ em: Nguyên nhân hay gặp nhất bao gồm thay đổi thói quen vệ sinh. Do trẻ sợ đau khi đi ngoài nên trẻ thường cố nhịn. Trẻ nhịn đi ngoài có thể do mải chơi, hoặc trẻ không muốn sử dụng nhà vệ sinh công cộng (ở trường…) hoặc có thể do ngại xin phép cô giáo v.v…. Chế độ ăn nghèo chất xơ, ít rau hoa quả cũng dễ dẫn đến táo bón ở trẻ. Thời gian dễ bị táo bón cho trẻ nhất là khi trẻ chuyển từ chế độ ăn cháo sang chế độ ăn cơm. Uống ít nước cũng là một trong những nguyên nhân gây táo bón ít được bố mẹ trẻ để ý. Một số thay đổi trong thời gian biểu của trẻ cũng dễ dẫn đến táo bón như đi du lịch, trời quá nắng nóng, stress cảm xúc v.v… Một số thuốc cũng có thể gây tăng nặng tình trạng táo bón của trẻ như các thuốc có chứa sắt …. Dị ứng sữa bò có thể gây táo bón hoặc tiêu chảy. Những trẻ sinh ra trong gia đình có các thành viên mắc bệnh táo bón cũng dễ bị táo bón hơn. Một số bệnh kèm theo như bất thường về cấu trúc giải phẫu đường tiêu hóa, một số bệnh như tự kỷ, hội chứng Down, giảm nhu động ruột, bệnh coeliac, nhược giáp… cũng dễ gây ra tình trạng táo bón ở trẻ.
Mặc dù táo bón không phải là tình trạng cấp cứu. Tuy nhiên, nếu để táo bón kéo dài, mạn tính sẽ gây ra một số hậu quả như nứt kẽ hậu môn, sa trực tràng, giữ phân lâu trong đại tràng có thể gây phình to đại tràng v.v…
Vậy làm thế nào để giúp trẻ chấm dứt táo bón? Thứ nhất nên thay đổi thói quen đi vệ sinh cho trẻ. Nên khuyến khích trẻ đi ngoài đúng giờ hoặc khi trẻ có dấu hiệu muốn đi ngoài. Cho trẻ đi ngoài theo tư thế ngồi xổm (đầu gối cao hơn mông) gập người về phía trước và đặt khuỷa tay lên trên đầu gối. Cần rèn luyện thói quen đi vệ sinh cho trẻ bằng cách cho trẻ đi vệ sinh ngày 3 lần, tốt nhất là sau khi ăn, và mỗi lần nên cho trẻ ngồi trong toilet 5 phút. Thứ hai: Thay đổi chế độ ăn. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau và hoa quả. Nếu trẻ dị ứng sữa bò, nên cắt thực phẩm có sữa bò trong bữa ăn của trẻ. Cho trẻ uống nhiều nước. Thứ ba: Khám bác sĩ. Nếu tất cả những việc trên không hiệu quả cần cho trẻ đến khám bác sĩ. Bác sĩ có thể cho trẻ dùng một số thuốc nhuận tràng, làm mềm phân. Trong một số trường hợp bác sĩ có thể sử dụng thuốc dạng đặt hậu môn. Với những trẻ bị nứt hậu môn, bác sĩ có thể kê thuốc làm mềm, chống viêm và giảm đau cho trẻ.