lupus-ban-do-he-thong-va-benh-zona-than-kinh
LUPUS BAN ĐỎ HỆ THỐNG VÀ BỆNH ZONA THẦN KINH
02/07/2019 16:00:00 Đăng bởi Hoàng Thị Lâm (0) bình luận

Một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Lupus (tháng 3, năm 2013) cho biết bệnh nhân lupus có 70% cơ hội mắc bệnh Zona thần kinh hơn so với người bình thường.
Virus Varicella Zoster gây ra hai thể bệnh riêng biệt. Nhiễm khuẩn tiên phát gây bệnh thủy đậu, một bệnh rất hay lây nhưng lành tính, xảy ra thành dịch, hay gặp ở những người trẻ. Sự tái hoạt sau này của virus Varicella Zoster tiềm ẩn trong các dây thần kinh tạo nên bệnh phát ban ngoài da khu trú gọi là zona (giời leo). Những người có nguy cơ cao mắc bệnh Zona là những người già trên 60 tuổi, mắc bệnh suy giảm miễn dịch (HIV), rối loạn miễn dịch qua trung gian tế bào, dùng thuốc ức chế miễn dịch….. Nguy cơ mắc bệnh Zona tăng lên ở những bệnh nhân dùng corticoid, mycophenolate mofetil. Một điều thú vị là, các thuốc khác như cyclophosphamide, azathioprine, methotrexate hoặc hydroxychloroquine (Plaquenil) dường như không làm tăng nguy cơ mắc bệnh Zona ở bệnh nhân lupus. 
Tổn thương cơ bản là mụn nước, hoặc phỏng nước, trên nền da đỏ. Lúc đầu là ngứa, sau đó là cảm giác đau rát tại vùng tổn thương. Mụn nước, phỏng nước có thể chứa dịch trong hoặc có mủ nếu bội nhiễm. Bệnh tiến triển và lành trong vòng 2-4 tuần, khi khỏi để lại sẹo gây thay đổi màu da tại chỗ. Tổn thương da thường chỉ ở một bên, hiếm khi xuất hiện hai bên của cơ thể (trừ trường hợp nhiễm HIV). Chẩn đoán dựa vào tổn thương cơ bản trên da, hoặc xét nghiệm huyết thanh với mục đích xác định kháng thể kháng Viracella Zoster. 
Về mặt điều trị, mục đích là đẩy nhanh liền sẹo, hạn chế mức độ nặng của bệnh, rút ngắn thời gian kéo dài đau cấp tính và mạn tính, và giảm biến chứng. Ở những BN có rối loạn miễn dịch, thêm một mục tiêu điều trị nữa là giảm nguy cơ lan tỏa virus Varicella Zoster.
Tại Hoa Kỳ có ba dược chất được chấp thuận sử dụng trong điều trị zona là acyclovir, valacyclovir, và famciclovir. Cả ba loại thuốc đều an toàn và dung nạp tốt. Cần điều chỉnh liều ở bệnh nhân bị suy thận. Hiện chưa có thuốc nào trong số các thuốc trên được cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận cho sử dụng ở phụ nữ có thai. Các thuốc kháng virút dùng bôi ngoài có vai trò tốt trong giai đoạn đầu hơn là giai đoạn toàn phát của bệnh. 
Ngoài việc dùng thuốc, nên giữ các tổn thương da được sạch và khô nhằm giảm nguy cơ bội nhiễm. Đau thần kinh có thể rất nặng và hay bị đánh giá thấp. Thuốc chẹn giao cảm có thể làm giảm đau nhanh chóng. Đối với cơn đau dai dẳng, các opioid (thuốc giảm đau trung ương dạng thuốc phiện) tác dụng dài, giải phóng có kiểm soát (uống hoặc dán lên da) cũng được ưa dùng.
Biến chứng của zona hay gặp nhất là đau dây thần kinh (được định nghĩa là đau tồn tại trên 30 ngày sau khi nổi phát ban hoặc sau khi liền sẹo). Đây là biến chứng đáng sợ nhất đối với người bệnh. Bệnh nhân có nhiều bất thường về cảm giác, như dị giác một thể tăng cảm giác đau v.v... Đau có thể tồn tại hàng tháng và đôi khi hàng năm. Các biến chứng khác có thể có (ít gặp hơn) như viêm não, viêm tủy, liệt dây thần kinh sọ não, dây thần kinh ngoại biên và một hội chứng liệt nhẹ nửa người phía đối diện muộn. Tử vong thường do bệnh zona có lan tỏa nội tạng hay gặp nhất là tử vong do viêm phổi. 
Vắc-xin chống virus Varicella Zoster (Zostavax) hiện được khuyến nghị cho vào diện tiêm chủng mở rộng ở trẻ em. Người già và những người có nhiều yếu tố nguy cơ cũng đươc khuyên sử dụng vắc-xin Zostavax. 
……………………………………….

PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm

Bộ môn Dị ứng – MDLS, Đại học Y Hà nội
Trung tâm Dị ứng – MDLS, bệnh viện Bạch mai
Phòng khám nội Dị ứng, Bệnh viện Đại học Y Hà nội

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN