-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
DỊ ỨNG ĐẠM SỮA BÒ, GIẢI PHÁP NÀO CHO BÉ?
01/31/2021 19:24:10
Đăng bởi Hoàng Thị Lâm
(0) bình luận
Dị ứng đạm sữa bò là phản ứng bất thường của hệ miễn dịch của bé với đạm sữa bò và các sản phẩm chứa đạm sữa bò. Khi đó, cơ thể của bé sẽ cho rằng đạm sữa bò là thành phần gây hại nên sinh ra kháng thể (IgE) để chống lại đạm sữa bò. Khi kháng thể IgE đặc hiệu này kết hợp với đạm sữa bò sẽ sinh ra một loạt các phản ứng để giải phóng một loạt các hóa chất và kết quả là gây ra các triệu chứng dị ứng. Có hai loại đạm trong sữa bò mà bé hay bị dị ứng nhất đó là casein và whey. Bé có thể bị dị ứng với 1 thành phần đạm này hoặc cả hai. Nếu bé đã bị dị ứng với đạm sữa bò thì bé sẽ dễ dị ứng với đạm của sữa dê, sữa cừu, sữa trâu, và các loại sữa của động vật có vú khác. Các bé dị ứng đạm sữa bò có thể dị ứng với cả sữa đậu nành, tuy nhiên với tỉ lệ thấp hơn.
Dị ứng đạm sữa bò là hiện tượng rất hay gặp ở trẻ em, tỉ lệ gặp cao nhất trong hai năm đầu đời của bé. Tình trạng này không những ảnh hưởng đến bé, mà còn ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe của mẹ và thậm chí cả gia đình. Việc bé dị ứng đạm sữa bò, khiến cho thời gian quay trở lại làm việc của mẹ gặp nhiều khó khăn. Áp lực cho việc lựa chọn sữa cho con khiến nhiều mẹ căng thẳng thậm chí trầm cảm.Vì mẫn cảm chéo nên không dễ chọn loại sữa của động vật có vú khác, hơn nữa, sữa thủy phân thì mùi vị không dễ chịu với bé, càng làm cho công cuộc chọn lựa sữa cho bé càng trở nên gian nan. May mắn thay dị ứng đạm sữa bò không kéo dài suốt cuộc đời của bé, nhiều bé sẽ hết dị ứng với sữa bò theo thời gian.
Các triệu chứng dị ứng đạm sữa bò, không giống nhau giữa bé này và bé khác. Có những bé xuất hiện triệu chứng dị ứng sau khi sử dụng sữa hoặc các sản phẩm chứa sữa vài phút, có bé vài giờ. Thời gian xuất hiện các triệu chứng càng nhanh sau dùng sữa, có nghĩa, bé dị ứng càng nặng. Các triệu chứng của dị ứng đạm sữa bò đa dạng như nôn, buồn nôn, nổi ban đỏ ngứa quanh miệng hoặc khắp người, sung môi, ho hoặc khó thở v.v… thậm chí có bé có các triệu chứng của sốc phản vệ đe dọa tính mạng. Một số các triệu chứng xuất hiện muộn hơn như tiêu chảy, phân có máu, đau bụng, chảy mũi, chảy nước mắt v.v......
Sốc phản vệ với đạm sữa bò là phản ứng dị ứng nặng nhất, đe dọa tính mạng của trẻ. Trong số các thức ăn thì sữa là nguyên nhân thứ ba gây sốc phản vệ do thức ăn. Chính vì vậy, nếu bé có phản ứng với đạm sữa bò, cần phải trao đổi với bác sỹ dị ứng để bác sỹ xác định xem bé có dị ứng với đạm sữa bò không, từ đó đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho bé, tránh các phản ứng quá mẫn nặng như sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng của bé.
Nếu bé có mắc các bệnh dị ứng khác như viêm da dị ứng cơ địa, viêm mũi dị ứng, hen phế quản hay trong gia đình có những thành viên mắc các bệnh dị ứng nêu trên thì bé sẽ có nguy cơ cao hơn bị dị ứng đạm sữa bò, và bé cũng có nguy cơ dị ứng nặng với đạm sữa bò hơn so với các bé khác. Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò cũng dễ bị dị ứng với các thức ăn khác như trứng, đậu nành, lạc, thậm chí dị ứng với cả thịt bò (khoảng 10%). Các bé này, lớn lên cũng dễ bị các bệnh dị ứng khác như viêm mũi dị ứng, hen phế quản hoặc quá mẫn với các dị nguyên đường hô hấp như lông súc vật, mạt bọ nhà, phấn hoa v.v…..
Cần phân biệt dị ứng đạm sữa bò với bất dung nạp với sữa bò hoặc bất dung nạp với lactose. Bất dụng nạp với sữa bò hay với lactose không tuân theo cơ chế miễn dịch. Do đó điều trị vấn đề này hoàn toàn khác với điều trị dị ứng sữa.
Để chẩn đoán xác định bé có thật sự dị ứng với đạm sữa bò hay không, cần đưa bé đến gặp bác sỹ chuyên khoa dị ứng. Các bác sỹ sau khi thăm khám, hỏi bệnh sẽ đưa ra các phương án thích hợp để chẩn đoán xác định xem bé có thật sự dị ứng với đạm sữa bò hay không bằng các xét nghiệm đặc biệt chuyên khoa như test da, test kích thích với đạm sữa bò, hoặc các loại test thức ăn loại trừ, thậm chí có thể là xét nghiệm máu. Một số xét nghiệm cần được thực hiện bởi các bác sỹ chuyên khoa dị ứng như test da và test kích thích.
Khi bác sỹ dị ứng đã xác định bé dị ứng với đạm sữa bò thì điều trị đặc hiệu nhất là tránh dùng đạm sữa bò và các sản phẩm chứa đạm sữa bò. Đọc kỹ các thành phần có trong thức ăn cho bé để lựa chọn các thức ăn không có đạm sữa bò. Tuy nhiên, sữa là thành phần dinh dưỡng rất quan trọng đối với các bé trong giai đoạn phát triển, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, nên cần phải chọn lựa một loại sữa thay thế cho trẻ. Nên tư vấn bác sỹ dị ứng, để các bác sỹ giúp chọn sữa cho bé. Ưu tiên số một là dùng sữa mẹ, tiếp theo là các sữa công thức ít gây dị ứng như sữa thủy phân. Sữa đậu nành cũng là một lựa chọn khác, lưu ý một số trẻ dị ứng đạm sữa bò cũng dị ứng với cả sữa đậu nành. Nếu bé có triệu chứng nặng của dị ứng đạm sữa bò hoặc bé có tiền sử sốc phản vệ, thì việc lưu ý với cô giáo và người chăm sóc bé về việc bé dị ứng thức ăn là điều rất quan trọng. Việc chuẩn bị bút tiêm adrenaline và được hướng dẫn sử dụng cũng không thể bỏ qua (tuy nhiên ở Việt nam chưa có bút tiêm adrenaline). Nếu bé không thể lựa chọn được sữa thay thế, thì các bác sỹ chuyên khoa dị ứng sẽ giúp bé giảm mẫn cảm với sữa để bé có thể dùng sữa mà không bị dị ứng. Đây là phương pháp tạo ra dung nạp tạm thời với đạm sữa bò. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được thực hiện ở các phòng khám dị ứng, bởi các bác sỹ chuyên khoa dị ứng bởi vì nguy cơ dị ứng nặng với đạm sữa bò trong quá trình giảm mẫn cảm. Chúc mẹ của bé và các bé dị ứng đạm sữa bò tìm ra được giải pháp thích hợp cho mình.