-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
NHỮNG CÂU HỎI MẸ BẦU LUPUS
11/29/2018 09:16:00
Đăng bởi Hoàng Thị Lâm
(0) bình luận
PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm
Miễn dịch Dị ứng, Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai
1. Liệu bệnh nhân lupus có nên có con hay không?
Có và nên có.
Mặc dù bệnh nhân lupus có thai sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn so với người bình thường, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ không thể có em bé thông minh khỏe mạnh. Thực tế đã chứng minh có rất nhiều bệnh nhân SLE mẹ tròn con vuông. Nên tư vấn bác sỹ trước khi quyết định có em bé. Trong thời gian mang thai, cần khám thai, khám bệnh và dùng thuốc định kỳ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sỹ.
2. Khả năng sinh đẻ của phụ nữ lupus như thế nào?
Bệnh nhân lupus có khả năng sinh tương đương với phụ nữ bình thường. Tuy nhiên một số yếu tố có thể làm giảm khả năng sinh như suy thận, sử dụng corticoid, thuốc ức chế miễn dịch ví dụ như cyclophosphamide v.v…
Phụ nữ >32 tuổi, tiền sử dung thuốc ức chế miễn dịch cyclophosphamide là những yếu tố dự đoán khả năng giảm sinh.
3. Thai nghén có làm nặng bệnh lupus lên hay không?
Kết quả hiện nay cũng chưa thống nhất, một số nghiên cứu cho rằng thai nghén làm nặng bệnh lupus lên, đặc biệt tổn thương thận, một số khác lại thấy sự thay đổi này không có ý nghĩa thống kê. Một số nhà khoa học lại cho rằng đợt cấp hay xảy ra sau khi sinh. Mặc dù vậy, thai nghén làm tăng nguy cơ đợt cấp cũng như làm tăng nguy cơ tổn thương thận, từ đó làm tăng nguy cơ mất thai như sẩy thai, thai lưu….hoặc tiền sản giật nếu như người bệnh mang thai trong giai đoạn bệnh đang tiến triển.
4. Thời điểm nào tốt nhất cho bệnh nhân lupus mang thai?
Thời điểm tốt nhất cho bạn chuẩn bị làm mẹ là khi bệnh của bạn được kiểm soát hoàn toàn và bạn ở trong tình trạng sức khỏe tốt nhất. Các bác sỹ khuyên rằng hãy chờ bệnh ổn định ít nhất 6 tháng hãy mang thai. Bác sỹ là người tư vấn tốt nhất thời điểm nào bạn an toàn nhất cho quá trình thai nghén. Khi biết mình có thai bạn nên đến tư vấn bác sỹ ngay, để họ lượng giá tình trạng bệnh của bạn để từ đó giúp bạn mang thai an toàn cho cả mẹ và con.
5. Làm thế nào để phân biệt được đâu là dấu hiệu thai nghén bình thường và đâu là triệu chứng của đợt cấp ở bệnh nhân lupus mang thai. Bạn có thể nghiên cứu bảng dưới đây để có thể phân biệt được một số dấu hiệu của thai nghén bình thường và một số triệu chứng của đợt cấp lupus dễ gây nhầm lẫn
Sorry, bảng số liệu không tồn tại
6. Em bé liệu có mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống giống mẹ không?
Phần lớn các bà mẹ lupus đều có con khỏe mạnh thông minh như những bà mẹ bình thường khác. Tỉ lệ lupus sơ sinh rất hiếm, nếu có thì các triệu chứng cũng chỉ thoáng qua và hết trong vòng 6 tháng đầu sau khi sinh. Các triệu chứng hay gặp là ban đỏ ở mặt, thiếu máu tan máu, xuất huyết giảm tiểu cầu. Tuy nhiên, rối loạn dẫn truyền tim bẩm sinh, suy tim là triệu chứng vĩnh viễn. Nếu mẹ có kháng thể kháng Ro/SSA hoặc La/SSB thì con có 30% nguy cơ mắc bệnh lupus sơ sinh và 3% mắc rối loạn dẫn truyền tim bẩm sinh so với những em bé của các bà mẹ lupus khác. Nếu mẹ có kháng thể kháng Ro/SSA hoặc La/SSB thì bác sỹ sẽ tầm soát nguy cơ bằng cách cho siêu âm kiểm tra từ tháng 16 và trong trường hợp cần thiết sẽ cho điều trị bằng corticoid để giảm thiểu nguy cơ suy tim cho thai nhi.
7. Các thuốc nào an toàn cho thai nhi ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống
Có nhiều thuốc an toàn cho thai nhi ở bệnh nhân lupus. Tuy nhiên, bác sỹ sẽ là người quyết định thuốc nào là an toàn cho bé và mẹ, tùy vào từng trường hợp cụ thể của từng người bệnh.
8. Nguy cơ trong quá trình mang thai của các bà mẹ lupus là gì
Đó là tiền sản giật, sẩy thai, thai lưu, tăng huyết áp, nhiễm trùng đường tiết niệu, tiểu đường, hội chứng HELLP (thiếu máu tan máu, tăng enzyme gan, giảm tiểu cầu), suy thận và sinh non. Và một nguy cơ rất thường gặp nữa là bào thai chậm phát triển trong tử cung. Cần thăm khám định ký thường xuyên để phòng ngừa chậm phát triển bào thai trong tử cung cũng như các biến chứng nêu trên.
Nguy cơ của các biến chứng này tăng lên nếu mẹ mang thai trong giai đoạn bệnh chưa ổn định, có tăng huyết áp, tổn thương thận đang tiến triển, hội chứng antiphospholipid…..
9. Mẹ lupus có nên cho con bú không?
Có và nên có.
Tuy nhiên nếu em bé sinh non, cần chắc chắn em bé có đủ sức để hút sữa mẹ và chắc chắn mẹ tiết đủ sữa cho em bé. Một số trường hợp mẹ đang dùng thuốc nên tư vấn bác sỹ liệu thuốc có qua hàng rào sữa mẹ và ảnh hưởng đến em bé hay không vì giai đoạn này chuyển hóa sơ sinh của em bé rất non yếu nên dễ dẫn đến tình trạng nhiễm độc thuốc hoặc quá liều thuốc ở trẻ sơ sinh.