viem-mui-di-ung
VIÊM MŨI DỊ ỨNG
12/01/2018 07:00:00 Đăng bởi Hoàng Thị Lâm (0) bình luận

PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm

Miễn dịch Dị ứng

Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai

Viêm mũi dị ứng là hiện tượng viêm niêm mạc mũi, do dị ứng với các tác nhân trong và ngoài cơ thể như bụi nhà, bụi bông, khói, lông súc vật, gián, phấn hoa, nấm mốc v.v…. Các yếu tố thúc đẩy và làm  nặng bệnh lên có thể là thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất không khí....Tuy không đe doạ tính mạng, nhưng viêm mũi dị ứng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, trong thời gian kéo dài. Viêm mũi dị ứng làm giảm hiệu suất làm việc, học tập, cản trở các hoạt động thể thao, giải trí. Bệnh này thường kết hợp với viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm kết mạc dị ứng, hen phế quản... Đa số những người bị viêm mũi dị ứng khởi phát bệnh khi còn trẻ, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu nhi.  

Bình thường, hệ thống miễn dịch của cơ thể có vai trò chống lại những tác nhân xâm nhập có hại cho cơ thể. Nhưng ở những người bị viêm mũi dị ứng, hệ thống miễn dịch lại phản ứng quá mức đối với những thành phần hầu như vô hại với người không dị ứng như phấn hoa, bụi, khói… gây ra phản ứng viêm và quá mẫn gọi là phản ứng dị ứng.

Có hai loại viêm mũi dị ứng: 1) Viêm mũi dị ứng theo mùa: bệnh thường xuất  hiện vào mùa xuân, hay mùa hè hoặc đầu mùa thu (tùy theo vùng). Nguyên nhân gây bệnh có thể do phấn hoa hoặc nấm mốc, có thể xuất phát từ: cỏ, cây, lá cây khô... 2)Viêm mũi dị ứng quanh năm: gây ra bởi những tác nhân trong nhà như các lông súc vật nuôi trog nhà, mạt bụi nhà gián... Các tác nhân này có thể phát triển ở trên các giấy dán tường, cây trồng trong nhà, rèm thảm, bàn ghế hoặc các vật được bọc vải,…

Biểu hiện của viêm mũi dị ứng bao gồm: Ngạt mũi, hắt hơi, chảy mũi, thường là chảy mũi loãng trong, ngứa mũi. Có thể có ngứa, đỏ, chảy nước mắt nếu bệnh nhân có kèm theo viêm kết mạc dị ứng. Bệnh mạn tính nên gây ngủ ngáy hoặc mất ngủ khiến cho bệnh nhân thâm quầng mí mắt. Mất ngủ, thiếu oxy  não lâu ngày có thể làm cho bệnh nhân kém tập trung, hiệu suất làm việc học tâp giảm sút. Bệnh tiến triển lâu ngày có thể dẫn đến hậu quả mất mùi. Thở bằng mồm lâu ngày cũng dẫn đến những biến dạng trên khuôn mặt của bệnh nhân như hàm bị đẩy ra phía trước, vòm khẩu cái sâu hơn, mũi hếch. Có nếp nhăn ngang mũi…..

Mục tiêu của điều trị viêm mũi dị ứng là làm thuyên giảm triệu chứng và cách tốt nhất là tránh tiếp xúc với dị nguyên (các tác nhân gây ra dị ứng). Về cơ bản điều trị cần theo 3 bước sau: 1) Tránh các tác nhân gây dị ứng và kiểm soát môi trường sống. Vệ sinh chăn gối, vải trải giường 1 tuần/lần, phơi nắng hoặc giặt bằng nước nóng. Hạn chế cho các con vật nuôi vào trong phòng ngủ. Khô thoáng phòng ngủ để giảm thiểu ẩm mốc. Làm sạch những bề mặt sinh mốc ở máy lạnh, máy điều hoà độ ẩm. Giữ độ ẩm trong nhà ít hơn 50%.Không để các đồ chơi thú nhồi bông ở giường ngủ. Giặt chiếu gối hàng tuần bằng nước nóng. Trong thực tế, đa số bệnh nhân không thể phát hiện nguyên nhân gây dị ứng,  hoặc không thể thực hiện triệt để kiểm soát môi trường sống hoặc các yếu tố kích thích.  Chính vì vậy, 2) sử dụng thuốc là phương pháp được lựa chọn nhiều nhất. Các thuốc được sử dụng là các thuốc chống viêm, giảm ngạt mũi. Tùy vào triệu chứng nổi trội của bạn để các bác sỹ kê thuốc thích hợp. Nên ưu tiên dùng thuốc tại chỗ, để tránh tác dụng phụ toàn thân. Chỉ khi 2 biện pháp này thất bại thì người ta mới xem xét đến phương pháp thứ 3) là miễn dịch liệu pháp (immunotherapy). Để sử dụng được phương pháp này, cần biết được tác nhân gây dị ứng. Phương pháp này thường được sử dụng với liều thấp tăng dần trong thời gian dài. Kết quả làm cho người bệnh dung nạp được với tác nhân gây dị ứng.

Mặc dù viêm mũi dị ứng thường được điều trị nội khoa, nhưng trong một số trường hợp người ta cần đến phẫu thuật. Đó là khi nhiều polype ở mũi hoặc  niêm mạc cuốn mũi thoái hoá quá mức gây nghẹt mũi không thể phục hồi dù đã uống thuốc tích cực, hoặc khi có những lệch lạc về cấu trúc giải phẩu của mũi gây ngạt mũi kéo dài không đáp ứng thuốc.

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN