may-day
MÀY ĐAY
12/02/2018 05:21:00 Đăng bởi Hoàng Thị Lâm (0) bình luận

PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm

Miễn dịch Dị ứng

Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai

Mày đay là bệnh da dị ứng thường gặp trong cuộc sống. Ít nhất 20% dân số từng một lần bị mày đay, và khoảng 1% mắc bệnh kéo dài hay còn gọi là mày đay mạn tính. Bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nhưng do tính chất nổi ban đỏ, ngứa dai dẳng, gây khó chịu, làm giảm chất lượng sống của người bệnh rất nhiều. Thậm chí các bác sỹ khi đánh giá mức độ khó chịu của người bệnh, đã thấy chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mày đay, sụt giảm tương tự bệnh nhân mắc bệnh mạch vành.

Biểu hiện của bệnh mày đay đa dạng và phong phú. Đa số người bệnh có ban đỏ, hay còn gọi là sẩn phù màu hồng nhạt, nổi gồ trên mặt da, ở giữa trung tâm nhạt màu. Các ban này có kích thước đa dạng từ vài mm đến vài cm hoặc liên kết thành mày đay khổng lồ. Ban đỏ hoặc sẩn phù xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể. Kèm theo đó là cảm giác ngứa. Càng gãi ban đỏ càng lan rộng. Một số trường hợp, người bệnh có thể bị phù ở môi, mi mắt, hoặc ở những vùng da lỏng lẻo. Trường hợp này còn gọi là mày đay phối hợp với phù Quincke (hay là phù mạch).

Tổn thương mày đay thường tồn tại vài giờ có thể tự nhiên biến mất hoặc do điều trị.  Mày đay thông thường ít khi có ban đỏ ngứa kéo dài quá 24 giờ, nếu ngược lại, nghĩa là người bệnh mắc mày đay có thể do nguyên nhân viêm mạch hoặc nguyên nhân tự miễn… Trong trường hợp này, bệnh nhân nên đi khám sớm để bác sỹ giúp tìm nguyên nhân và có những tư vấn thích hợp.

Mày đay rất hay tái phát làm người bệnh khó chịu. Nếu tình trạng bệnh dai dẳng hơn 6 tuần, lúc đó sẽ gọi là mày đay mạn tính. Mày đay mạn tính gặp nhiều hơn ở người lớn, và phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới. Cũng có trường hợp xảy ra ở trẻ em. Nguyên nhân của bệnh mày đay rất khó xác định. Một số nguyên nhân thường gặp như: do thuốc, thức ăn, do các yếu tố vật lý, hay do ký sinh trùng và vi khuẩn, virus… Để tìm ra căn nguyên gây nên căn bệnh này không dễ, hơn 80% số người bệnh mày đay mạn tính không xác định rõ nguyên nhân. Do đó việc điều trị thường không hiệu quả, dẫn đến bệnh lý kéo dài, hay tái phát. Chính vì vậy, để tránh căn nguyên gây bệnh (là phương pháp điều trị hiệu quả nhất) thường không đạt mục tiêu. Trong chẩn đoán căn nguyên mày đay mạn tính, cần làm các xét nghiệm đặc hiệu chuyên khoa cũng như các xét nghiệm giúp loại trừ như: xét nghiệm tổng thể, xét nghiệm xét nghiệm da tìm các dị nguyên, xét nghiệm tìm kháng thể kháng tuyến giáp, v.v..…

Những người bệnh xác định được căn nguyên gây bệnh thường điều trị khá hiệu quả. Vì thế, người bệnh mày đay mạn tính cần được sàng lọc xét nghiệm sớm ngay từ lần khám đầu tiên để xác định nguyên nhân chính xác để chữa bệnh hiệu quả cao. Một số thuốc có hiệu quả trong việc giảm ngứa, giảm ban đỏ, tuy nhiên, khi dừng thuốc mày đay lại quay trở lại. Đặc biệt, người bệnh không tự mua thuốc uống khi bị ban đỏ hoặc ngứa mà nên đến cơ sở y tế có chuyên môn về dị ứng hoặc da liễu khám và điều trị; không điều trị theo lời mách bảo, tránh bệnh nặng điều trị khó khăn. Bên cạnh đó việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa cũng là một trong những yếu tố giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn.

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN