ton-thuong-huyet-hoc-he-tao-mau-o-benh-nhan-lupus-ban-do-he-thong
TỔN THƯƠNG HUYẾT HỌC (HỆ TẠO MÁU) Ở BỆNH NHÂN LUPUS BAN ĐỎ HỆ THỐNG
02/07/2019 15:50:00 Đăng bởi Hoàng Thị Lâm (0) bình luận

Bất thường về huyết học rất hay gặp ở bệnh nhân SLE. Đây cũng là một trong những tiêu chuẩn giúp chẩn đoán xác định bệnh lupus. Tổn thương huyết học bao gồm: Thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu lympho, giảm tiểu cầu, rối loạn đông cầm máu 
1. Thiếu máu: Thiếu máu trong bệnh cảnh lâm sàng của lupus gặp khá thường xuyên (50-60% bệnh nhân lupus). Thiếu máu có thể do bệnh lupus nhưng cũng có thể do quá trình điều trị bệnh (tác dụng phụ của thuốc)….. Các loại thiếu máu hay gặp là: 
a) Thiếu máu do giảm sản xuất. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu loại này. Suy tủy xương là một trong số đó. Do suy tủy nên không sản xuất được đủ các tế bào hồng cầu (hay gặp suy tủy do thuốc ức chế miễn dịch như cyclophosphamide, azathioprine….). Cũng có một nguyên nhân nữa là suy thận mạn nên tuyến cạnh cầu thận không tiết ra được hormone erythropoietin để kích thích tủy xương sinh hồng cầu, Dinh dưỡng kém do ăn uống không đúng hoặc do quá kiêng khem có thể gây ra thiếu máu thiếu sắt, thiếu máu thiếu acid forlic hoặc thiếu máu do thiếu vitamin B12. Thiếu máu do chế độ dinh dưỡng này cũng có thể gặp do viêm loét dạ dày mạn tính dẫn đến hội chứng kém hấp thu hoặc không tiết đủ một số yếu tố (yếu tố nội) quan trọng giúp cho quá trình tạo máu dẫn đến thiếu máu hồng cầu to (giả), ưu sắc. 
b) Thiếu máu do tăng phá hủy tế bào máu. Do tan máu, điển hình là thiếu máu tan máu tự miễn: Bệnh nhân thiếu máu do kháng thể kháng lại tế bào hồng cầu. Các kháng thể này có thể gắn trực tiếp trên tế bào hồng cầu hoặc lưu hành trong huyết thanh của người bệnh dẫn đến phá hủy các tế bào máu. Cường lách hoặc do bất thường về hình dạng hồng cầu cũng có thể gây thiếu máu nặng. Bình thường hồng cầu được tạo ra ở tủy xương và được lưu hành trong máu ngoại biên trong khoảng thời gian nhất định (tối đa 120 ngày) sau đó các hồng cầu già cỗi sẽ kết thúc chu trình sống của mình ở lách. Vì một nguyên nhân nào đó lách tăng cường hoạt động dẫn đến tế bào hồng cầu bị phá hủy liên tục và sớm hơn dự định, dẫn đến thiếu máu. 
c) Do mất máu ví dụ như xuất huyết gặp trong xuất huyết giảm tiểu cầu, hoặc xuất huyết do viêm loét đường tiêu hóa v.v….
Làm thế nào là để biết bản thân mình bị thiếu máu? Đó là khi thấy cơ thể mệt mỏi, gắng sức kém, da xanh, niêm mạc nhợt, tóc khô dễ rụng, móng tay khô, có khía. Hồi hộp đánh trống ngực, khó tập trung. Thiếu máu nặng lâu dài có thể gây suy tim. Đi khám, bác sỹ sẽ cho làm xét nghiệm, và phát hiện heamoglobulin dưới 120g/l ở phụ nữ và dưới 135g/l ở nam giới. Trong trường hợp này, các bác sỹ sẽ làm thêm các xét nghiệm khác để đánh giá mức độ và nguyên nhân thiếu máu. Về mặt điều trị thì cần xác đinh rõ nguyên nhân mới điều trị tốt bệnh. Ví dụ: thiếu máu do đợt cấp của bệnh thì đáp ứng rất tốt với corticoid, do thiếu sắt thì đáp ứng tốt với chế độ ăn bổ sung sắt hoặc viên sắt…. Thiếu máu trong suy thận thì cần bổ sung thêm erythropoietin. Điều trị các xuất huyết, hoặc viêm loét đường tiêu hóa v.v…Nếu thiếu máu nặng thì cần truyền máu hoặc khối hồng cầu. 
2. Giảm bạch cầu: rất hay gặp trong đợt cấp của bệnh lupus. Hay gặp nhất là giảm số lượng bạch cầu < 4G/l (gặp trong 50% các trường hợp SLE) tiếp theo là giảm bạch cầu lympho <1,0 G/l (20% các trường hợp). Bạch cầu được ví như cảnh sát của đất nước, có nhiệm vụ chống lại kẻ thù, chống lại các tác nhân xâm nhập. Khi bạch cầu giảm thì nguy cơ nhiễm trùng (vi khuẩn, virus, nấm vv…) tăng lên. Bạch cầu giảm có thể do bản thân bệnh lupus nhưng cũng có thể do thuốc điều trị (hay gặp nhất là cyclophosphamide (Endoxan), azathioprine (imural, wedes…). Bệnh đáp ứng tốt với corticoid. Trong trường hợp nặng thì cần dùng thuốc kích sản xuất bạch cầu (leukokine….)
3. Giảm tiểu cầu: giảm tiểu cầu nhẹ (100-150G/l) gặp ở 20-50% số bệnh nhân lupus. Tuy nhiên trường hợp này không cần can thiệp gì. Giảm tiểu cầu nặng dưới 50G/l gặp khoảng 10% bệnh nhân lupus. Nếu giảm rất nặng dưới 20 G/l thì nguy cơ xuất huyết là rất lớn, nên vào viện để có biện pháp điều trị kịp thời. Trong trường hợp này bác sỹ sẽ cho truyền khối tiểu cầu. Một lưu ý, là truyền tiểu cầu nhiều khi cũng là con dao hai lưỡi vì sẽ kích thích cơ thể sinh ra kháng thể kháng lại tiểu cầu dẫn đến càng truyền tiểu cầu càng giảm. Giảm tiểu cầu đáp ứng tốt với corticoid, ức chế miễn dịch, plaquenil, danazol….
4. Rối loạn đông cầm máu: Bệnh nhân lupus có nguy cơ tăng đông, một phần do bản thân của bệnh lupus (do các kháng thể kháng đông lupus lưu hành trong máu) do kèm theo hội chứng antiphospholipid, hoặc do dùng thuốc như corticoid, do hội chứng thận hư v.v…. Trong trường hợp này bác sỹ sẽ kê thuốc chống đông cho bệnh nhân để tránh tắc mạch như aspirin, lovenox, sintrom v.v….
Tóm lại: Rối loạn huyết học ở bệnh nhân lupus là bệnh cảnh lâm sàng phức tạp, hay gặp, gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống của người bệnh. Điều trị bệnh chính, bệnh lupus là yêu tố tiên quyết nhưng xác định nguyên nhân cũng quan trọng không kém. Từ đó mới có biện pháp điều trị đúng, chính xác. 
…………………………………….

PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm
Bộ môn Dị ứng – MDLS, Đại học Y Hà nội

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN