lieu-phap-te-bao-car-t-trong-dieu-tri-lupus-ban-do-he-thong
LIỆU PHÁP TẾ BÀO CAR-T TRONG ĐIỀU TRỊ LUPUS BAN ĐỎ HỆ THỐNG
06/22/2023 08:51:27 Đăng bởi Hoàng Thị Lâm (0) bình luận

Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) là bệnh tự miễn gặp chủ yếu ở phụ nữ trong giai đoạn sinh đẻ. Bệnh ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan trong cơ thể. Các triệu chứng hay gặp là mệt mỏi, đau cơ khớp, ban cánh bướm ở mặt, nhạy cảm ánh sáng, đau đầu, rụng tóc v.v…. Nếu không kiểm soát được bệnh, tổn thương các cơ quan như huyết học, thận, tim, phổi, thần kinh v.v…. có thể xảy ra dần dẫn đến suy các cơ quan hoặc có các biến chứng nặng nguy hiểm đến tính mạng. Hiện nay, với rất nhiều tiến bộ trong điều trị, nên tình trạng bệnh của người bệnh lupus được kiểm soát tốt, tiên lượng xấu giảm đi rất đáng kể.

Trong những năm gần đây, liệu pháp tế bào trong điều trị rất được quan tâm và thu được thành công đáng kể trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là ung thư và miễn dịch. Tế bào CAR-T là một loại tế bào miễn dịch, bên cạnh việc có nhiều ứng dụng trong điều trị ung thư, thì loại tế bào này hiện cũng đang được nghiên cứu trong điều bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống.

Vậy liệu pháp điều trị bằng tế bào CAR_T là gì?

 

Liệu pháp điều trị bằng tế bào CAR-T liên quan đến các tế bào lympho T, một loại tế bào miễn dịch, đã được xử lý bằng kỹ thuật biến đổi gen, để chúng tạo ra được đáp ứng với một số kháng nguyên, hoặc marker phân tử được chỉ định trước. Điều này có nghĩa là chúng tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại các tế bào có kháng nguyên đã được chọn, để loại bỏ chúng khỏi cơ thể. Hiện nay, chúng ta đang sử dụng liệu pháp tế bào CAR-T tự thân, trong đó các tế bào T của bệnh nhân được chiết xuất, xử lý và sau đó truyền trả lại cho họ. Điều này tránh được các vấn đề về đào thải và bệnh mảnh ghép chống chủ, xảy ra khi các tế bào hiến tặng tấn công các tế bào bình thường của bệnh nhân.

Liệu pháp tế bào CAR-T hiện đang được áp dụng trong điều trị một số dạng ung thư máu giai đoạn cuối, như u lympho tế bào B lớn và bệnh bạch cầu nguyên bào lympho B cấp tính. Ở những người bệnh này, các tế bào T được xử lý để nhắm mục tiêu là các tế bào ung thư, có nguồn gốc từ các tế bào B, hoặc một loại tế bào miễn dịch khác. Mục tiêu là một kháng nguyên trên tế bào B có khả năng loại bỏ các tế bào ung thư.

Trong bệnh lupus, các tự kháng thể (được sản xuất bởi các tế bào lympho B) nhắm vào các tế bào và mô của chính bản thân bệnh nhân dẫn đến tình trạng viêm và tổn thương các cơ quan trong cơ thể. Mặc dù lupus là một căn bệnh phức tạp với vô số quá trình bệnh liên quan, nhưng việc nhắm mục tiêu vào các tế bào B có thể là một lựa chọn phù hợp trong điều trị vì giảm quá trình tạo ra tự kháng thể dẫn đến giảm việc hình thành phức hợp miễn dịch, tức là giảm khả năng tự miễn dịch do tế bào B điều khiển.

Việc sử dụng các phương pháp điều trị ngăn chặn hoặc làm suy kiệt lympho bào B đã được khám phá trước đây, nhưng những phương pháp này có mức độ thành công khác nhau tùy thuộc và mức độ nặng của bệnh. Điều này có thể giải thích bởi vì các liệu pháp điều trị nói trên không có khả năng đến được các mô hoặc các cơ quan đích bị bệnh, do đó, lympho bào B, vẫn tiếp tục gây bệnh ở  những mô cơ quan này.  Nhưng các tế bào CAR-T lại có thể tiếp cận các mô, cơ quan này, dẫn đến kết quả điều trị tốt hơn, lâu dài hơn. Một nghiên cứu được tiến hành ở đại học Cambridge đã chứng minh hiệu quả cho 5 bệnh nhân lupus nặng tuổi 18-25 không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường. Kết quả của nghiên cứu này rất đáng chú ý, bởi vì các bệnh nhân đạt được ổn định bệnh mà không cần dùng thuốc. Ban đầu, liệu pháp tế bào CAR-T sẽ làm giảm số lượng tế bào B, sau đó phục hồi. Tuy nhiên, các tế bào B này không còn tạo ra các tự kháng thể liên quan đến bệnh lupus hoặc tạo ra chúng ở mức độ giảm đáng kể.

Dựa trên nhiều kết quả nghiên cứu khác, liệu pháp tế bào CAR-T dường như sẽ trở thành liệu pháp tế bào được ứng dụng rộng rãi trong điều trị lupus nặng trong thời gian tới. Tuy nhiên, thời gian nằm viện kéo dài, giá cả và sự chuyên nghiệp của ekip điều trị cũng là những thách thức cần được đặt ra. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cũng cần trải qua ba đến năm ngày hóa trị để làm suy yếu các tế bào miễn dịch trước khi nhận được các tế bào CAR-T. Giai đoạn này cũng rất dễ xảy ra các tình trạng bội nhiễm, nếu không phát hiện, điều trị kịp thời cũng dễ dàng nguy hiểm tới tính mạng.  Các tác dụng phụ nghiêm trọng của liệu pháp CAR-T, là hội chứng giải phóng cytokine (CRS) và nhiễm độc thần kinh, tuy nhiên, tình trạng này ít quan sát thấy ở bệnh nhân lupus so với các bệnh nhân ung thư máu. Trong bệnh lupus, số lượng tế bào B bình thường nhiều hơn, được cho là làm giảm mức độ kích hoạt tổng thể của hệ thống miễn dịch, cũng như các tác dụng phụ liên quan.

Chính vì vậy, với phần lớn bệnh nhân lupus, những người mắc bệnh tương đối nhẹ và có thể kiểm soát bệnh bằng các phương pháp điều trị sẵn có, liệu pháp tế bào CAR-T sẽ không phù hợp. Nguy cơ tiềm ẩn về tác dụng phụ và gánh nặng cho bệnh nhân, bên cạnh mức giá quá đắt do yêu cầu sản xuất theo yêu cầu, có thể sẽ không chứng minh được kết quả cuối cùng khi có sẵn các lựa chọn điều trị thay thế. Tuy nhiên, với những bệnh nhân mắc bệnh lupus nặng và đe dọa đến tính mạng, liệu pháp tế bào CAR-T, là một bước đột phá tiềm năng. Nó cho thấy, bệnh lupus nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều cơ quan có thể được điều trị và kiểm soát ngay cả sau nhiều thất bại điều trị khác. Hy vọng trong tương lai gần, sẽ có nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định xem bệnh nhân lupus thực sự được hưởng lợi như thế nào từ liệu pháp tế bào CAR-T.

PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm

Đv Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch liên chi hội Dị ứng, Miễn dịch, Y học giấc ngủ

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN