su-dung-bien-phap-tranh-thai-o-benh-nhan-lupus-ban-do-he-thong
SỬ DỤNG BIỆN PHÁP TRÁNH THAI Ở BỆNH NHÂN LUPUS BAN ĐỎ HỆ THỐNG
02/07/2019 10:12:15 Đăng bởi Hoàng Thị Lâm (0) bình luận

PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm
Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng
Bệnh viện Đại học Y Hà nội - Bệnh viện Bạch mai

Lupus ban đỏ hệ thống (SLE), là bệnh xảy ra chủ yếu ở nữ trong giai đoạn sinh đẻ. Chính vì thế, biện pháp tránh thai hiệu quả rất quan trọng với người bệnh. Có thai ngoài ý muốn là điều không tốt cho bệnh nhân SLE. Vì thai nghén ảnh hưởng lớn đến diễn tiến của bệnh, nên nếu chưa được chuẩn bị tốt, thai nghén có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai nhi.
Có rất nhiệu biện pháp tránh thai được sử dụng như viên thuốc uống tránh thai, thuốc tránh thai chậm dùng bằng đường tiêm bắp, thuốc tránh thai cấy trong da, dụng cụ tránh thai đặt trong tử cung, xuất tinh ra ngoài v.v.... 
Các nhà khoa học đã chứng minh, viên uống tránh thai có một vài lợi thế đối với phụ nữ. Thuốc làm giảm nguy cơ ung thư phụ khoa như ung thư tử cung, ung thư buống trứng. Thuốc làm giảm nguy cơ lạc nội mạc tử cung, chửa ngoài tử cung, bệnh tuyến vú lành tính và bệnh viêm nhiễm tiểu khung. Tuy nhiên, estrogen có trong thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ tắc mạch, nên sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân có nguy cơ cao tắc mạch. Tương tự, thuốc tránh thai, không nên sử dụng ở phụ nữ có tiền sử đột quỵ hoặc có bệnh tim mạch kèm theo hoặc ung thư tuyến vú, bệnh gan tiến triển hoặc đau đầu migraine. Trước kia, bác sỹ rất ngần ngại khi kê thuốc tránh thai cho phụ nữ lupus. Do các nghiên cứu trước đây cho thấy thuốc tránh thai (liều cao estrogen ) làm tăng nguy cơ đợt cấp cho bệnh nhân. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây lại cho kết quả rất khả quan, thuốc tránh thai không gây ra đợt cấp, cũng như không làm tăng mức hoạt động của bệnh ở bệnh nhân lupus nhẹ. Thuốc có chứa estrogen thấp an toàn với bệnh nhân lupus nhẹ. Tuy nhiên, không nên sử dụng thuốc tránh thai viên uống ở những bệnh nhân có nguy cơ tăng đông hoặc bệnh nhân lupus nặng. Những bệnh nhân được chẩn đoán hội chứng antiphospholipid, viêm cầu thận, có hội chứng thận hư cũng không nên dùng thuốc tránh thai đường uống có chứa estrogen. 
Thuốc tránh thai chỉ có progesterol ít được sử dụng hơn thuốc tránh thai phối hợp giữa estrogen và progesterol. Thuốc không làm tăng nguy cơ tắc mạch, nên có thể là lựa chọn thay thế cho bệnh nhân lupus có nguy cơ tăng đông. Tuy nhiên, cần dùng đúng giờ trong ngày để đảm bảo hiệu quả của thuốc. 
Các thuốc tránh thai chậm dùng đường tiêm, ví dụ Depo-provera, được dùng tiêm bắp. Thuốc có hiệu quả tránh thai khoảng 3-4 tháng. Biến chứng giống như các thuốc tránh thai chứa estrogen, như tăng nặng đau đầu migraine, tăng nguy cơ tắc mạch. Ngoài ra một số tác dụng phụ khác có thể gặp như tăng cân, chảy máu bất thường, loãng xương. Loãng xương là nguy cơ nên được cân nhắc trước khi sử dụng vì bệnh nhân lupus vốn đã tăng nguy cơ loãng xương hơn so với người bình thường. 
Thuốc tránh thai cấy trong da. Thuốc sẽ giải phóng dần dần trong vòng 3 năm kể từ ngày cấy thuốc. Thuốc phát huy tác dụng ngay sau khi cấy trong da 24 giờ. 
Đặt dụng cụ tránh thai trong tử cung; Đây là biện pháp an toàn và được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, nên thận trọng ở những bệnh nhân viêm phần phụ tái diễn, hoặc viêm nhiễm tiểu khung, những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh qua đường tình dục.

Xuất tính ra ngoài cũng là biện pháp được sử dụng  nhiều, nên chú ý đến cảm xúc của cả hai để xúc cảm được thăng hoa trọn vẹn. 

 

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN